Hoa Kỳ: Chuyển từ chống khủng bố sang chống bành trướng

Hoa Kỳ: Chuyển từ chống khủng bố sang chống bành trướng

August 18, 2019

Đại-Dương:  Từ đầu thế kỷ thứ 21, Chiến lược Quân sự của Hoa Kỳ tập trung vào chống khủng bố toàn cầu gần hai thập niên nên Hoa Thịnh Đốn cần sự hợp tác của Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Lợi dụng lúc Hoa Kỳ bận tâm triệt hạ tiềm năng của Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa len lén thực hiện chính sách bành trướng bá quyền trên các phương diện kinh tế, quân sự, chính trị, văn hoá, ngoại giao.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã tái lập ảnh hưởng Mạc Tư Khoa lên vùng Trung Á và Caucasus. Năm 2014 cưỡng đoạt Bán đảo Crimea của Ukraine, đe doạ Liên Âu, đặc biệt đối với vùng Baltics và Đông Âu, lấn sâu vào Trung Đông.

Chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình tuyên bố chủ quyền và cố gắng kiểm soát mọi hoạt động trong 90% Biển Nam Trung Hoa (SCS), cưỡng đoạt Bãi cạn Scarborough Shoal năm 2012 do Phi Luật Tân kiểm soát, xây 7 đảo nhân tạo tại Nhóm đảo Hoàng Sa vào năm 2014, quân-sự-hoá Biển Nam Trung Hoa, xua đuổi các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.

Vì thế, chống bành trướng bá quyền cần phải bao quát trên nhiều phương diện.

Tại Diễn đàn Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới nên hợp tác chống lại Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản vì chúng chỉ mang lại nghèo khổ, đói rét, áp bức, chiến tranh và mất chủ quyền dân tộc.

Sau khi vào Toà Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã cố thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình thay đổi chính sách bành trướng bá quyền, đặc biệt trong hai lĩnh vực kinh tế và chủ quyền lãnh thổ. Nhưng, Tập Cận Bình đã từ bỏ chiến lược “Ẩn mình Chờ thời” của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa” nhằm thống trị toàn cầu qua các chiến dịch mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa, và một số hải cảng trên thế giới.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trở thành lộ trình luân chuyển hàng hoá của Trung Quốc lan rộng khắp thế giới và đem nguyên liệu khắp nơi về phục vụ “cơ xưởng thế giới” toạ lạc ở Hoa Lục hoặc tại các nước khác. Mục đích của Tập Cận Bình nhằm triệt hạ khả năng sản xuất độc lập của các quốc gia khác bằng cách bán hàng giá rẽ, hàng nhái, hàng giả, hàng kém phẩm chất. Thực tế, chỉ có quảng đại quần chúng bị ảnh hưởng. Đám lãnh đạo, lũ đại gia toàn xài hàng chính gốc!

Cuối năm 2017, Tổng thống Trump đảo ngược chính sách “phát triển kinh tế kéo theo thay đổi chính trị” đã được Tây Phương áp dụng hơn 40 năm đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Suốt 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama than phiền về lực lượng sản xuất chạy ra nước ngoài (outsourcing) làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ trì trệ, có lúc thất nghiệp lên tới 10%. Ông Obama kêu gọi các tập đoàn, công ty Mỹ hồi hương trong khi ông bà Obama đầu tư vào các công ty ở ngoại quốc!

Cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, sáng giá nhất cho cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc năm 2020 đã phát biểu “Trung Quốc không phải là người xấu, họ không cạnh tranh với Hoa Kỳ” đã gặp sự chỉ trích dữ dội từ hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ.

Trong bài “America’s Anti-China Mood Is Here to Stay” trên báo The Diplomat ngày 14/08/2019, Tiến sĩ Joe Renouard giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins ở Nam Kinh nhận xét “TC đã trở nên giàu có hơn, tự tin hơn, độc đoán hơn và đe dọa nhiều hơn đến lợi ích của Hoa Kỳ.”

Trung Quốc phát triển nhanh chóng không do sức mạnh tự thân mà nhờ chính sách “thương mại ăn cướp”, và hoạt động gián điệp truyền thống, gián điệp mạng qua giao hảo giữa các giới chuyên gia, du học sinh tại Tây Phương, đặc biệt nhắm tới Hoa Kỳ, nơi chứa nhiều kỹ thuật hiện đại.

Hoa Kỳ cần phải chấm dứt tình trạng “dưỡng hổ di hoạ” nên cần chặt đứt mọi nguồn cung cấp chất xám quan trọng cho TC.

Thoạt tiên, dư luận thế giới dị ứng với khẩu hiệu “Make America Great Again” của Tổng thống Donald Trump. Nhưng, có quốc gia nào chẳng đặt quyền lợi của dân tộc trên hết nếu không muốn bị kết tội phản quốc! Do đó, ngày càng có nhiều cường quốc lẫn nhược tiểu bắt đầu tham gia vào chiến dịch chống chính sách bành trướng bá quyền của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Xu hướng thiên hữu đang lớn mạnh trên mãnh đất thiên tả Tây Âu.

Từ năm 2018, Chính phủ Trump bắt đầu chiến dịch trừng phạt TC đã vi phạm các quy định thương mại của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) mà Bắc Kinh tham gia từ năm 2001. Ngoài ra, một số quốc gia đồng minh, đối tác với Hoa Kỳ cũng bị vạ lây. Như thế, mới chứng minh được tính chất công bằng trước mọi vi phạm luật pháp quốc tế. Dân chúng Hoa Kỳ ngày càng thấy nhu cầu cần thiết phải trừng phạt TC.

Bắc Kinh cáo buộc Tổng thống Trump phá hoại môi trường toàn-cầu-hoá được giới chính trị gia và truyền thông thiên tả hùa vào mà cố tình quên toàn-cầu-hoá chỉ hữu hiệu khi mọi quốc gia phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của WTO mà không được phép bẻ cong, bóp méo. Thương mại mà không tôn trọng quy luật quốc tế thì khác nào “chợ chòm hổm” ở các xứ lạc hậu!

Tập Cận Bình cố duy trì thái độ cứng rắn để chứng tỏ với các cựu lãnh đạo Giang Trách Dân, Hồ Cẩm Đào về khả năng đương đầu với Donald Trump trong khi họ họp kín hàng năm tại Bắc Đới Hà, đồng thời, xác nhận tư thế siêu cường trước quốc dân mà kêu gọi lòng yêu nước. Giang Trạch Dân là ông trùm của các tập đoàn, công ty kỹ thuật cao, kể cả Huawei nên chẳng muốn quá cứng rắn với Hoa Kỳ gây thiệt hại tới tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật cao vào năm 2035. Trong những ngày tháng tới, dư luận mới có thể biết bộ ba Bình-Dân-Đào đã thoả hiệp những gì.

Bắc Kinh tổ chức tập trận Hải Quân và Không Quân ngoài khơi Chiếc Giang và Quảng Đông từ cuối tháng 7-2019 nhằm đe doạ Đài Loan buộc Đài Bắc phải tăng chi phí quốc phòng 8.3% trong năm tới, theo The Foreign Policy ngày 15/08/2019.

Dù muốn hay không, tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt giàu sang nghèo hèn vẫn bị ảnh hưởng bởi các quyết định quan trọng của Mỹ-Nga-Trung mà làm sao tránh bị thống trị hoặc lệ thuộc?

Lịch sử thế giới đã chứng minh, chọn lựa chính trị góp phần quan trọng nhất cho an ninh, ổn định và phát triển của các nhược tiểu. Các tiểu quốc đứng đầu danh sách lợi tức bình quân đầu người (GDP nominal) trên thế giới nhờ chọn lựa chế độ tự do, dân chủ, kinh tế thị trường. TC trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu bị xếp hạng 67.

Do kinh tế kém phát triển nên các quốc gia đang phát triển cũng như chậm tiến rất cần tới nguồn vốn và kỹ thuật từ nước ngoài mà làm sao tránh bị lệ thuộc vào các cường quốc kinh tế?

Các quốc gia tự do, dân chủ, kinh tế thị trường cần phải nỗ lực xây dựng nền tảng kinh tế, đồng thời thắt lưng buộc bụng, học hỏi để áp dụng, tiết kiệm để làm giàu, tham gia các định chế quốc tế, tự sản xuất hàng hoá cho đại đa số để tránh phá sản, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bằng mọi cách, các nước nhược tiểu phải tự tổ chức hệ thống phòng thủ hữu hiệu sẽ làm giảm tham vọng xâm lăng, kết tình đồng minh, đối tác chiến lược nhằm răn đe những đầu óc bá quyền. Tự cô lập là miếng mồi ngon cho chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Không nước nào đưa quân cứu giúp các dân tộc chỉ biết nằm chờ sung rụng. Quyền Tự quyết Dân tộc của Hong Kong đang được nhân loại ủng hộ nên dù Bắc Kinh đe doạ đàn áp vẫn không ngăn được 10 vụ xuống đường đủ mọi thành phần xã hội vào những ngày cuối tuần suốt hai tháng.

Bắc Kinh đã tập họp lực lượng cảnh sát cơ động áp sát biên giới, nhưng, người Hong Kong không lùi bước trước các yêu sách: Huỷ bỏ Dư luật Dẫn độ tội phạm về Bắc Kinh, Đặc khu trưởng Carrie Lam từ chức, điều tra cảnh sát lạm quyền, khôi phục quyền phổ thông đầu phiếu.

Tổng thống Donald Trump bắn tiếng muốn họp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giải quyết vụ khủng hoảng nhân quyền ở Hong Kong.

Thế giới không thể ổn định, an ninh, hoà bình, hợp tác nếu thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đại-Dương

Bài Khác