Ký Thiệt: “Văn hóa thỏa hiệp”?

Ký Thiệt: “Văn hóa thỏa hiệp”?

August 17, 2019

Nhân có tin một tiệm phở ở Sài-Gòn bị tạt sơn và ném đồ dơ vào kính mặt tiền, Nhà báo Huy Phương, trong một bài tạp ghi  mới đây, đã bàn về  “văn hóa thỏa hiệp” hiện nay trong xã hội Việt Nam, có đoạn như sau:

“Trong một xã hội nhiều luật lệ mà người ta có thể dùng luật rừng với nhau, dân làm ăn đóng thuế mà không được nhà chức trách bảo vệ, sống chết mặc bay, tôi bỗng nghĩ ra đây là một xứ sở mà người ta sống với nhau bằng thứ văn hóa… thỏa hiệp. Mục đích của thỏa hiệp là cả hai bên cùng có lợi, còn người khác có u đầu, sứt trán cũng kệ thây!

Sống thời này, làm ăn mà không biết điều. Nếu chủ tiệm phở biết thỏa hiệp với công an khu vực (kiểu bảo kê) thì bố thằng du đãng, côn đồ nào dám công khai lộng hành, khủng bố con người bằng phân, mắm tôm, sơn… vào ngay cửa tiệm, có khi ngay cả ban ngày, để người ta có thể thu hình được như báo chí đã loan tin. Ngược lại thì bọn thủ phạm này có lẽ cũng đã thỏa hiệp với đồn công an, là công an chớ can thiệp, để bọn tôi xử nó.

Thời nào cũng vậy thôi, bên nguyên, bên bị gì “có ba trăm lạng việc này mới xong!”

Một lý do không có tính cách pháp lý chút nào, nguyên nhân là vì một ông rể nhà này nợ nần quá nhiều, khiến chủ nợ phải ra tay, trút giận vào nơi làm ăn của ông già vợ! Chuyện này kéo dài nửa tháng chứ không phải ngày một, ngày hai mà “tai mắt của nhân dân” không hay biết. Không những chúng tấn công vào tiệm mà còn đổ phân, sơn vào cả thực khách! Giá mà có ai giương bảng chống Tàu ngoài đường phố thì chỉ ba phút sau đã có mặt công an, không cần phải ai gọi.

Cũng vì chuyện “thỏa hiệp” mà đất nước này càng ngày càng đi xuống. Xứ sở này người ta phải thỏa hiệp quá nhiều và những ai không quá dễ dàng thỏa hiệp thì rất dễ chết!

Người ta không còn khí lực đấu tranh cho lẽ phải, đành cúi đầu thỏa hiệp cho xong. Một chiếc xe khách chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn muốn suôn sẻ thì phải thỏa hiệp với các trạm gác công an; làm ăn tại địa phương thì phải “nháy nhó” với thuế vụ, công an, đó là điều kiện cần và đủ.

Ngoài những vụ bắt hàng tấn bạch phiến, vũ khí hàng lậu được tuyên dương trên báo chí, có bao nhiêu vụ được thỏa hiệp trong bóng đêm, dưới gầm bàn hay ở một góc khuất trên quốc lộ? Nếu không thì người ta đã chẳng phải chạy tiền để được tuyển vào công an, thuế vụ, hải quan…

Để không bị kiểm soát, công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe lớn chở gỗ, dầu ăn từ Đắc-Nông về Sài Gòn và ngược lại, đã thỏa hiệp với một nhân vật thanh tra của Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh này với giá 200 triệu đồng.

Chuyện thỏa hiệp nhỏ xẩy ra giữa một ông không đội nón bảo hiểm và anh công an đứng đường, chuyện lớn như thỏa hiệp giữa hai quốc gia, biển sông tôi anh cứ dùng, nhưng đảng và quyền lực tôi anh đừng đụng tới. Tôi không đụng đến chuyện anh làm, và anh cũng chớ an thiệp vào việc của tôi. Thỏa hiệp đòi hỏi sự nhượng bộ, sự nhân nhượng, hy sinh nguyên tắc.

Luật pháp bị văn hóa thỏa hiệp che mắt. Tất cả những gì sai phạm, kể cả những bản án nặng nề đều có thể chạy bằng tiền, hay bằng rất nhiều tiền. Một người dân có thể vi phạm luật giao thông, chạy xe quá tốc độ, không đội nón bảo hiểm, nhưng không bao giờ lo ngại phải trả giá đắt về lỗi của mình, bởi vì anh ta nghĩ có thể điều đình hay thỏa hiệp.

Một người Việt ở ngoại quốc về, lái xe mà không có bằng lái. Bạn bè lo ngại cho anh, nhưng anh bình tĩnh cho họ biết là anh có bằng lái “quốc tế.” Anh chàng mở ví và kéo ra tờ đô la $100 có in hình ông Franklin. Ai bảo cái bằng lái này không có giá trị?

Ai cũng tin rằng họ có thể thỏa hiệp, nếu vi phạm luật giao thông hay dính xa gần đến luật pháp ở đây! Nói chung, trong xã hội Việt Nam hiện nay, những hành động sai trái, phạm luật vẫn có thể thay đổi hoặc dàn xếp được. Thỏa hiệp mang đến sự dễ dãi, bình an cho mọi người. Dần dần người ta không còn quan tâm đến phải trái, quy luật, vì thỏa hiệp mang đến cho ta sự đắc thắng, thành công trong sự giao tiếp với mọi người, cái gì cũng xong, cái gì cũng “đầu xuôi đuôi lọt.”

Gần đây, những người có trách nhiệm trong giới thanh tra đã lộng quyền, nhũng nhiễu khi phát hiện vi phạm, vì trong khi thi hành công vụ họ có thể “thay trắng đổi đen” trong tầm tay của mình, bỏ qua cho các chuyện vi phạm pháp luật. Có quyền lực trong tay, giới thanh tra thay vì cầm cân nẩy mực, lại tìm cách kiếm chác, vòi vĩnh, thỏa hiệp với người gian, kẻ xấu, miễn là mang mối lợi cho riêng mình.” (ngưng trích)

Những kiểu “thỏa hiệp” này dĩ nhiên là chỉ diễn ra trong những xã hội vô văn hóa, kém văn minh, thiếu giáo dục, đặc biệt là đời sống tại những nước do cộng sản thống trị, mà ông Huy Phương đã mỉa mai gọi là “văn hóa thỏa hiệp”.

Thật ra, đời sống của loài người trên mặt đất này được diễn ra yên ổn và ngày càng văn minh tiến bộ là nhờ biết thỏa hiệp với nhau trong sự công bằng và hiểu biết. Từ thỏa hiệp giữa những cá nhân, giữa những tập thể, đến thỏa hiệp giữa các quốc gia. Đó là những thỏa hiệp công chính, công bằng, tương nhượng, được những bên liên đới tôn trọng và chấp hành. Khác với loại thỏa hiệp trong bóng tối đang thịnh hành  tại Việt Nam.

Loại thỏa hiệp đó nên được gọi là “thỏa hiệp đen”, hay “thỏa hiệp gian tà”, nghe hợp tình hợp lý‎ hơn, vì loại thỏa hiệp man rợ ấy không thể đi đôi với văn hóa.

Trong đời sống tại Mỹ, siêu cường văn minh giàu mạnh số 1 trên hành tinh này, người ta thường nghe nói tới tiếng “deal”. Từ chuyện nhỏ trong nhà đến chuyện quốc gia đại sự, cái gì cũng “deal”.

Một trong những sách bán chạy nhất tại Mỹ xuất bản năm 1987 là cuốn “Trump: The Art of the Deal”,  do Tony Schwartz viết, dựa trên những kinh nghiệm thương lượng và thỏa hiệp của tỉ phú Donald Trump trên thương trường. Cuốn sách này càng được nhiều người biết và tìm đọc vào năm 2016 trong chiến dịch tranh cử của ông Trump vào chức tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta đã viện dẫn cuốn sách này như là một trong những thành đạt làm ông tự hào nhất và nói rằng đó là cuốn sách ông yêu thích thứ hai, sau Thánh Kinh.

Sau khi đắc cử, trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, “anh Hai” trên thế giới, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi một loạt các thỏa hiệp quốc tế mà ông cho rằng không công bằng, trong đó nước Mỹ chịu nhiều thiệt thòi mà các chính quyền tiền nhiệm đã ký kết. Từ Thỏa ước Paris về thay đổi khí hậu tới thỏa hiệp giao thương xuyên Thái Bình Dương TPP, tới NAFTA buôn bán với Mexico và Canada,  tới thỏa ước JCPOA nhằm ngăn cấm Iran chế tạo vũ khí nguyên tử, và gần đây nhất là Hiệp ước INF hạn chế  sản xuất hỏa tiễn tầm trung giữa Mỹ và Nga đã được TT Reagan và Chủ tịch Liên Sô Gorbachev ký‎ năm 1987. Ngày 2 tháng 8 vừa qua, TT Trump đã tuyên bố “rút ra”,  và tố cáo Nga đã vị phạm từ lâu.

Những thỏa hiệp, hiệp ước, hiệp định nói trên cần phải được thương lượng lại vì Mỹ đã chịu thua thiệt quá nhiều, quá vô lý và quá lâu, trong khi những nước khác cứ… vô tư hưỏng lợi và khai thác vô tội vạ, khiến Mỹ công nợ, hay nợ công, chồng chất làm di sản để lại mai sau cho…con cháu trả.

Nhưng, tất cả những thua thiệt trên đây so với thâm thủng mậu dịch trong 35 năm nước Mỹ mở cửa làm ăn với Tàu cộng thì không thấm vào đâu, và “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình đang say sưa với “giấc mơ Trung quốc” bá chủ thế giới mà hắn không hề che đậy khi tính toán sẽ qua mặt siêu cường Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 2030 tới 2050, có nghĩa là thêm hai hay ba nhiệm kỳ tổng thống Mỹ xìu xìu ển ển, ù ù cạc cạc nữa thôi!

Chắc trong cái đầu gian tham đặc sệt của Tập Cận Bình không bao giờ có thể nghĩ rằng cái lão “trọc phú Mỹ khùng điên dơ bẩn” lại có thể là một bậc kỳ tài trong ngón nghề “deal” trên thương trường quốc tế, đã vờn hắn như mèo vờn chuột và chỉ trong hai năm đã làm cho “giấc mơ Trung quốc” của hắn tan như bọt biển, nay hắn lại đang bị dồn tới chỗ phải từ bỏ thói làm ăn “gian thương mạo hóa” để chấp nhận cái “deal” với Mỹ, buôn ngay bán thật, lương thiện, công bằng.

Trong cuộc “chiến tranh thương mại” với Tập Cận Bình do TT Trump phát động không bao lâu sau khi dọn vào Tòa Bạch Ốc, với GS. Peter Navarro, tác giả cuốn “Death by China”, bên cạnh, ông hoàn toàn ở thế chủ động với một sách lược mềm dẻo khôn ngoan. Khởi đầu với “gói thuế nhỏ” 34 tỉ đô đánh trên hàng Trung cộng xuất cảng sang Mỹ, sau đó hạ xuống 16 tỉ để tỏ … thiện chí rồi lại rồi bất ngờ nhảy vọt lên tới 200 tỷ đô la và ngày 1 tháng 8 vừa qua ông Trump tuyên bố sẽ chính thức tăng lên 300 tỷ đô la thuế xuất trên hàng hóa Tàu cộng nhập vào Mỹ kể từ ngày 1.9.2019, lý do: “chủ tịch Tập Cận Bình đã không đi xa đủ trong tiến trình thảo luận về mậu dịch”.

Trong một tuyên bố bất ngờ tại Tòa Bạch Ốc, TT Trump buộc tội Tập Cận Bình đã không thi hành hai điều kiện tiên quyết do Mỹ đưa ra để không đánh thêm thuế xuất mới: ngăn chặn sự chuyên chở độc chất hóa hợp opioid vào Mỹ và mua thêm nông sản của Mỹ. Ông nói: “Tôi nghĩ ông ta muốn làm một cái ‘deal’, nhưng thẳng thắn mà nói, ông ta đang không tiến nhanh đủ. Ông ta nói sẽ mua nông sản của chúng ta. Ông ta đã không làm điều đó. Ông ta nói sẽ ngăn chặn fentanyl chuyên chở vào nước ta. Tất cả thứ độc hại đó xuất xứ từ Tàu. Ông ta đã không làm điều đó. Chúng ta sẽ mất hàng ngàn nhân mạng vì fentanyl.”

Cuộc thương thảo đã vỡ tan hồi tháng năm với lời cáo buộc của ông Trump cho rằng phía Tàu cộng đã không thi hành những cam kết trước đó, và cho rằng họ Tập muốn chờ xem ông có thất cử vào năm tới hay không để lại thỏa hiệp với một tổng thống khác như xưa.

“Họ đang cầu nguyện, họ đang cầu nguyện. Họ cầu mong được thấy một tổng thống khác trong một năm rưỡi nữa để họ lại có thể tiếp tục trấn lột Hoa Kỳ như họ đã làm trong 25 năm vừa qua.” Ông Trump nói với cử tri tại Ohio trong cuộc vận động tranh cử ngày 1 tháng 8 vừa qua. “Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cướp đoạt đất nước chúng ta và đó là những gì họ đang làm”.

Ông Trump cũng cho biết không sẵn sàng để làm một cái “deal” với Trung cộng trong lúc này, ngụ ý cuộc chiến tranh thương mại, hay thương chiến, còn kéo dài cho tới bao giờ Hoa Kỳ còn ở trong thế thua thiệt, nếu ông còn làm tổng thống.

Nhiều người tin rằng nếu ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ hai thì Hoa Kỳ sẽ thắng cuộc chiến tranh thương mại và đạt được một thỏa hiệp công chính và công bằng với Tập Cận Bình, hay với một người nào khác thay thế Tập Cận Bình khi hắn mất ngôi “hoàng đế” vì không thực hiện được “giấc mơ Trung quốc”, qua mặt Hoa Kỳ để làm bá chủ thế giới. Nói gì đến “giấc mơ Trung quốc”, ngay cả tương lai nước Tàu cũng chưa biết sẽ ra sao.

Sự tin tưởng này dựa trên nguyên lý về “nghệ thuật thỏa hiệp” (art of the deal) của tỉ phú Donald Trump đã giúp ông thành công trên thương trường. Nghệ thuật ấy không phải được dùng để đạt được những thỏa hiệp có lợi cho mình, khai thác sự thiếu khôn ngoan, thiếu kinh nghiệm, hay thế yếu của đối phương để bắt họ phải chịu phần thiệt.

Nghệ thuật thỏa hiệp của ông Trump được xây dựng trên sự công bằng, công chính và đôi bên đều có lợi tùy theo những gì mình có để không bị thua thiệt. Đó chính là sự thỏa hiệp của văn hóa, văn minh, và hòa bình, yên ổn của đời sống con người trên mặt đất này.

Trái lại, loại “thỏa hiệp” đang diễn ra khắp mọi nơi trong xã hội Việt Nam ngày nay mà ông Huy Phương mô tả là loại thỏa hiệp sai trái, bệnh hoạn, tội lỗi và vô văn hóa, thiếu văn minh, đã nảy sinh ra dưới một chế độ man rợ cũng đã được tạo dựng nên từ những thỏa hiệp gian trá, lọc lừa.

Thật vậy, từ ngày ở hang Pác Bó chui ra vào năm 1945, đảng Cộng sản VN luôn mồn tuyên bố hòa hợp hòa giải, đại đòan kết, yêu chuộng hòa bình, đã giả vờ đổi tên đảng Cộng sản thành đảng Lao Động, đã lập ra “Chính phủ Liên Hiệp” năm 1946 có sự tham dự của những người yêu nước, đã long trọng ký kết Hiệp định Genève 1954, rồi Hiệp định Paris 1973, nhưng đã không bao giờ tôn trọng những cam kết và đã gây ra cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt kéo dài cho tới khi đặt ách thống trị trên cả nước Việt Nam năm 1975 và tạo ra một xã hội của luật rừng, trong đó con người muốn sống còn thì bắt buộc phải “thỏa hiệp” với đủ mọi thứ tội ác. Và, với những “thỏa hiệp” bất bình đẳng, bất công ấy, con người đã bị tước đoạt mọi thứ, trừ cái hình xác bên ngoài.

Loại “thỏa hiệp của loài cừu” ấy đang ngự trị trong xã hội Việt Nam dưới bóng đêm âm u của chủ nghĩa Mác-Lê giả mạo còn kéo dài tới bao giờ? Tới bao giờ người Việt Nam mới hiểu rằng “không có tự do thì không thể có thỏa hiệp”, theo đúng nghĩa “make a deal” như ông Trump nói.

Thật ra, ngay cả dân Mỹ cũng có nhiều người không hiểu tường tận “make a deal” có nghĩa gì, kể cả vài ông tổng thống đã đặt bút ký vào những thỏa hiệp, hiệp ước, hiệp định… thua thiệt cho nước Mỹ tai hại tới ngày nay.

Có lẽ vì vậy nên cuốn “The Art of the Deal” hiện nay chỉ bán có 1 đô-la 99 xu. Phải chăng ông Trump muốn mọi người dân Mỹ đọc để…khôn hơn?

Ký Thiệt

Bài Khác