Ký Thiệt: Chính trị Mỹ, cộng đồng Việt

Ký Thiệt: Chính trị Mỹ, cộng đồng Việt

August 9, 2019

Sân khấu chính trị nước Mỹ chưa bao giờ đông đúc, ồn ào, bát nháo như bây giờ. Trước hết là cuộc phân tranh, hay “nội chiến”, trong đảng Dân Chủ.Đảng Dân Chủ đã chia rẽ trầm trọng từ mấy tháng gần đây với sự xuất hiện của bốn mặt mới tại Hạ viện: Alexandria Ocasio-Cortez của New York, Ilham Omar của Minnesota, Ayanna Pressley của Massachusetts và Rashida Tlaib của Michigan. Bốn cô dân biểu da màu này rất to mồm, lớn lối, tự xưng là “the squad” (biệt đội), đã gây sóng gió tại Hạ viện mà Wesley Pruden, cố chủ bút tờ Washington Times, trong một bài phiếm luận viết ngày 16 tháng 7 trước khi qua đời, đã gọi là “bốn cô nài ngựa ồn ào” (four noisy horseladies).

Bốn cô “nài ngựa”, hay “nài lừa” (?) này đã kéo đảng Dân Chủ Mỹ sang phía cực tả, hướng mạnh về chủ nghĩa xã hội, được thể hiện qua những cuộc tranh luận của hơn hai tá ứng cử viên tổng thống đang diễn ra trên màn ảnh truyền hình. Tuy cùng hứa hẹn tào lao (từ chuyện cắp sách lên đại học cho tới bảo hiểm sức khỏe, tất cả mọi thứ đều miễn phí cho tất cả mọi người) nhưng họ đang phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai đấu võ mồm với nhau về những chuyện không đâu để dành quyền đại diện đảng, lãnh sứ mạng thiêng liêng đi diệt trừ “kẻ thù chung” Donald Trump trong cuộc bầu cử vào năm tới.Ngay cả David Axelrod, cựu chiến lược gia hàng đầu của Obama, cũng nói trên CNN rằng ứng cử viên xã nghĩa Sanders “biết” chuyện Medicare miễn phí cho mọi người sẽ không thể xảy ra trong thời gian sớm sủa, nhưng ông ta và các ứng cử viên khác, trừ Joe Biden, cũng cứ hứa bừa cái điều họ biết họ sẽ không thể làm được.Nhưng, đó không phải chuyện duy nhất để các ứng cử viên Dân Chủ xâu xé nhau. Các ông bà dân biểu Dân Chủ ở Hạ viện cũng đang chia rẽ nặng về chuyện “đàn hặc” (impeach) ông Trump. Tuy vụ truất quyền ông tổng thống đã bị mất trớn do cuộc điều trần tai hại của tham vấn đặc biệt Mueller vào cuối tháng trước, con số dân biểu ủng hộ đàn hặc ông Trump đã lên tới 116 người, gần phân nửa số dân biểu Dân Chủ tại Hạ viện. Dù vậy, bà chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn giữ vững lập trường không lay chuyển là chống lại việc mở cuộc điều tra để đàn hạc ông tổng thống vào lúc này tuy bà ta vẫn tuyên bố ông Trump là một “tay sai” (agent) của Điện Kremlin mà không đưa ra một bằng chứng nào!Đàn hặc hay không đàn hặc? Không ai có thể trả lời trong khi các ông bà dân biểu Dân Chủ tiếp tục cãi nhau như mổ bò, choảng nhau chí chóe mà nhiều người cho rằng họ đang làm một cuộc tự sát chính trị trên màn ảnh tuyền hình quốc gia. Trước hoạt cảnh không đẹp mắt ấy, Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham đã khuyên ông Trump nên tránh xa cuộc tranh cãi của đám người này. Hãy ngồi xuống và thưởng thức cuộc trình diễn.Nhưng ông Trump đã không chịu ngồi yên. Ông ta lại vừa can dự vào một cuộc đấu khẩu khác và cũng bị chụp cho cái mũ kỳ thị chủng tộc (racist). Lần trước chỉ vì một cái tweet. Lần này cũng vì vài cái tweet nói về tình trạng tệ hại của Baltimore, một thành phố lớn của Maryland, ông lại đã châm ngòi cho một cơn bão lửa “kỳ thị chủng tộc”.Chuyện suy đồi và tồi tệ của Baltimore không phải là điều bí mật mà cũng không cần phải thổi phồng. Từ nhiều năm nay, Baltimore dần dần xuống cấp dưới sự quản trị liên tục của các viên chức da đen, từ thị trưởng cho tới cảnh sát, tòa án và các cấp điều hành. Truyền thông báo chí đã nói nhiều về những cái nhất của Baltimore: án mạng, trộm cướp, chuột, rác, ma túy, những khu nhà bỏ hoang điêu tàn, tham ô, lãng phí…Nghị sĩ Bernie Sanders, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, cách đây không lâu đã so sánh Baltimore với một nước chậm tiến thuộc thế giới thứ ba. Không ai buộc tội ông ta “kỳ thị chủng tộc”.                                           

mail.png

DB Cummings: “Trump là một kẻ kỳ thị chủng tộc!”Bây giờ, khi ông Trump hỏi hơn một tỉ đô-la chính quyền liên bang cấp cho Baltimore để hồi phục biến đi đâu mà nay thành phố này giống như một “bãi rác kinh tởm, với chuột bọ lan tràn khắp nơi”, ông liền bị Dân biểu Elijah Cummings và Mục sư Al Sharpton, cả hai đều da đen, gay gắt buộc tội kỳ thị chủng tộc với sự cổ võ của truyền thông dòng chính, xúm vào đánh hôi. Sự thật là ông Cummings, Dân Chủ, đại diện cho dân Baltimore tại Hạ viện từ 25 năm nay mà không làm gì cho cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Mục sư Sharpton thì từng tươi cười chụp ảnh chung với ông Trump, khi… chưa là một kẻ “kỳ thị”(?)! Và, ông Trump cũng… thú nhận: “Tôi là một kẻ ít kỳ thị nhất tại bất cứ nơi đâu trên thế giới này.” Có vẻ không phải ông Trump đã vô tình chỉ trích Baltimore, vì sau  Baltimore, ông tổng thống đã chĩa mũi dùi vào một loạt những thành phố lớn khác nằm trong tay đảng Dân Chủ từ nhiều năm nay và cũng đã trở nên tồi tệ, điêu tàn như Chicago, Los Angeles, San Fransisco, New York , Detroit……để chỉ trích sự bất lực của đảng Dân Chủ, biến chuyện ấy thành một đề tài tranh cử. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lịch trình tiếp khách tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 29 tháng 7 lại có cuộc viếng thăm thiện chí của một phái đoàn gồm 20 mục sư da đen. Và sau đó, Alveda King, người cháu gái của Martin Luther King Jr., thần tượng nhân quyền của người da đen, lên tiếng bênh vực ông tổng thống chống lại những cáo buộc là ông ta kỳ thị chủng tộc. Bà nói: “Tất cả những tin đó là tuyệt đối bịa đặt. Như các bạn biết, tất cả chúng ta đều tin tưởng như nhau. Đó là điều mà tổng thống đã nói: một loài giống, loài người. Vì thế, ông ấy không phải là một kẻ kỳ thị chủng tộc.” Và, bà King nói thêm: “Những chương trình mà ông ấy đã tiến hành, như tạo ra nhiều công ăn việc làm là giúp cho người Mỹ gốc Phi. Cải tổ tư pháp là giúp cho người Mỹ gốc Phi.”                                              

mail.jpg

Alveda King: “Ông ấy không phải là kẻ kỳ thị chủng tộc.”Ngày hôm sau, ông Trump loan truyền những lời lẽ ấy đi khắp mọi nơi và nói rằng cư dân da đen ở Baltimore rất phấn khởi với những nhận xét của ông. Ông tổng thống nói: “Họ rất sung sướng. Họ sung sướng vô cùng. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi rất biết ơn những gì tôi đã và đang làm. Họ gọi cho tôi và nói rằng cuối cùng đã có người nói lên sự thật. Họ rất sung sướng về những điều mà tôi đã có thể làm tạiBaltimore và những thành phố dưới quyền những người Dân Chủ thối nát… Người Mỹ gốc Phi yêu thích những việc tôi đang làm bởi vì tôi đang làm cho họ — chứ không phải là các chính trị gia.”Ai bảo Donald Trump không biết gì về chính trị, điên khùng, ăn nói bộp chộp, ẩu tả?!Từ nay đến ngày bầu cử, sân khấu chính trị nước Mỹ còn nhiều chuyện bất ngờ diễn ra từng ngày, như tin mới nhất cho biết cựu Giám đốc FBI James Comey đã phạm tội dò rỉ tin mật ra ngoài mà Bộ Tư pháp đã không truy tố, như người thực sự lèo lái cuộc “săn bắt phù thủy” trong gần hai năm vừa qua và tác giả thực sự của “phúc trình Mueller” là Andrew Weissmann, người đứng sau Mueller, chứ không phải là…Mueller, theo sự bật mí của ông Joseph Digenova, cựu chưởng lý‎ Washington, DC.Trước những diễn biến trên sân khấu chính trị nước Mỹ, cộng đồng người Việt, hay đúng hơn, Mỹ gốc Việt cũng đang chia rẽ nặng, trái với thái độ thờ ơ đứng ngoài như trước đây. Hiện tượng “chia phe” không chỉ thấy rõ trong làng báo cộng đồng, mà còn thể hiện ở khắp nơi, kể cả trong mỗi gia đình, giữa vợ chồng, cha con, anh em, họ hàng. Sự quá khích này dường như đang bị Việt cộng khai thác như báo động dưới đây của Nhà báo Vũ Linh nhân một bài viết về “câu chuyện Baltimore”: “Nhân đây, kẻ này cũng muốn phá lệ, bàn qua về chuyện cộng đồng tỵ nạn chúng ta. Việc một số dân tỵ nạn xăn tay áo, tham gia chính trị Mỹ cụ thể bằng cách ra tranh cử hay nhận những trách nhiệm quan trọng trong guồng máy chính quyền để phục vụ cộng đồng tỵ nạn là điều đáng mừng và đáng khuyến khích, chỉ vì đó là cách hữu hiệu nhất để thực sự phục vụ cộng đồng.Tuy nhiên, nếu những vị đó đi ra ngoài vai trò phục vụ cộng đồng để phục vụ cái tôi cá nhân, hay phục vụ quan điểm cá nhân của mình, hay phục vụ bộ máy cầm quyền  nói chung, thì họ đã không chu toàn trách nhiệm hay thậm chí đã phản lại người dân đã bầu cho họ. Trong thời gian qua, ta đã thấy vài dân cử Mỹ gốc Việt đã có nhiều tuyên bố hay hành động có vẻ thân thiện với chính quyền CSVN. Chẳng hạn như đi ‘công cán’ tại CSVN, hay tiếp các phái đoàn doanh gia hay quan chức VC qua Mỹ, tuyên dương VC,…Cũng phải nói ngoài lề là những cá nhân -doanh gia hay ca sĩ hay cựu quân nhân hay gì gì khác- cư xử hay có thái độ như thế nào đối với VC là quyền tự do cá nhân của họ, mà chúng ta phải chấp nhận tuy có quyền không đồng ý. Cái đó nằm trong định nghĩa của chế độ tự do dân chủ mà chúng ta đã chọn, ngược lại với chế độ độc tài CS mà ta đã chống. Ngoại trừ trường hợp những cá nhân đó hoạt động nằm vùng cho VC thì không còn chấp nhận được dĩ nhiên.Nhưng đối với những vị dân cử được bầu lên, họ có bổn phận phải nói và làm những gì họ đã hứa hẹn, có lợi và hợp với quan điểm cũng như ‘ý dân’ của khối người đã bầu cho họ. Những vị dân cử gốc Việt do đa số dân Việt tỵ nạn bầu dĩ nhiên có trách nhiệm phục vụ cộng đồng tỵ nạn Việt. Thân thiện với VC bất cứ dưới hình thức nào không phải là phục vụ cộng đồng tỵ nạn chống VC.Những người ‘thân thiện’ với VC đã biện giải họ là dân cử Mỹ, phải làm cái gì theo quyền lợi của nước Mỹ. Chẳng hạn như gặp doanh gia VC để hy vọng khuếch trương thương mại giữa đơn vị của họ với CSVN. Không đúng!Đúng là họ phải phục vụ quyền lợi nước Mỹ thật. Nhưng không đúng vì trước tiên, họ bắt buộc phải phục vụ quyền lợi của đa số khối cử tri đã bầu cho họ. Khối cử tri đó là ai?

Chính là những người Việt chống VC, trốn chạy VC, không chấp nhận thân thiện hay hòa hợp với VC. Đó là những lý do căn bản đưa đến sự hiện diện của họ tại xứ Mỹ này. Cho đến nay, chưa có một vị dân cử gốc Việt nào ra tranh cử mà lại hô hào hòa hợp hòa giải với VC, hay phát triển quan hệ thương mại hay văn hoá với CSVN do đó, nếu sau khi đắc cử, họ thân thiện, hòa hợp với VC là họ đã phản bội lại niềm tin của cử tri đã bầu cho họ. Không ai nói họ vi phạm luật lệ gì hết, chỉ là phản bội niềm tin thôi… Một điểm xin nói cho rõ: kẻ này chỉ bàn về vấn đề nguyên tắc chung, không có ý định nhắm vào bất cứ cá nhân chính khách Mỹ gốc Việt nào.” (ngưng trích) Nhìn theo một khía cạnh về hiện tượng bát nháo của chính trường nước Mỹ hiện nay, Nhà báo Ngô Nhân Dụng đã hướng về “tinh thần thượng võ” của giới thể thao nhân cuộc đua xe đạp “Vòng Pháp quốc” hàng năm vừa mới kết thúc để làm gương cho các người làm chính trị:_ “Nhìn khắp thế giới, chúng ta khó thấy một vị tổng thống, thủ tướng hay một lãnh tụ đối lập nào biểu lộ các đức tính đó. Trong một phạm vi nhỏ, có thấy một ông, bà dân biểu, nghị sĩ, thống đốc tiểu bang hay thị trưởng, nghị viên nào đáng làm gương cho các thiếu nhi hay không? Rất khó kiếm ra.“Nhiều người nghĩ rằng chính trị là một cuộc tranh đua rất gay gắt, không thể nào theo các quy tắc và tục lệ thông thường. Khi tranh đua thì mạnh được, yếu thua, “cá lớn nuốt cá bé.” Không thể nghe lời dạy “chị ngã em nâng” hay “lá lành đùm lá rách.” Các nhà chính trị mạt sát nhau không tiếc lời. Vu cáo nhau nếu ích lợi cho mình. Thấy người té thì không nâng lên mà phải nhân cơ hội đạp thêm cho nó một cái. Chính trị là một thế giới mà bước vào đó là phải chấp nhận sẽ không thể sống theo các quy tắc bình thường. “Nhưng thật ra loài người bây giờ vẫn còn rất nhiều người đang sống với các đức tính được cha mẹ dạy, được các trường học, các tôn giáo dạy bảo. Ra ngoài đường, mình vẫn thấy những người lạ mỉm cười chào nhau, có người lái xe nhường đường cho người khác.“Quý vị đậu xe bên đường trường, mở thùng xe ra loay hoay, thế nào cũng nhiều người dừng lại hỏi có cần giúp chi không. Các thầy, cô giáo vẫn dạy trẻ em nói năng nhã nhặn, khi tranh đua với nhau vẫn giữ tình bạn bè và tinh thần tương kính, dù tranh điểm học hay tranh giải thể thao. Nếu không bảo vệ được các đức tính đó, thì loài người chắc khó sống được với nhau.“Cho nên hôm nay xin kể chuyện những người vẫn cố sống tử tế. Trong Tour de France, cuộc chạy đua xe đạp ở nước Pháp mới kết thúc ngày Chủ Nhật vừa qua. Bởi vì thấy các tay đua này vẫn sống với rất nhiều đức tính mà tôi vẫn mong con, cháu mình tập lấy.” (ngưng trích)“Vấn đề” của ông Ngô Nhân Dụng là ông đã “quên”, hay không biết, lịch sử vòng đua “Tour de France” trong quá khứ đã ghi lại nhiều vụ gian lận, chơi xấu, chơi bẩn của các tay đua. Ồn ào nhất là vụ tay đua Mỹ Lance Armstrong, người đã đoạt chiếc áo vàng vô địch “Vòng Pháp Quốc” 7 lần trong 7 năm liên tiếp, thành tích chưa có tay đua nào lập được. Năm 2012, Armtrong đã bị lột tất cả danh hiệu và áo vàng vì kết quả thử nghiệm cho thấy anh ta đã dùng thuốc tăng cường lực bị cấm trong các cuộc đua. Ngày nay, trong hầu hết các cuộc thi đấu thể thao quốc tế đều xảy ra những vụ vi phạm, gian lận, chơi xấu, chơi bẩn, không khác gì trên đấu trường chính trị. Không biết ngày nay có ai buộc tội cố Tổng thống Ronald Reagan là “kỳ thị các nàng Kiều thời đại” vì trong lúc sinh thời, có lần ông đã bông đùa: “Chính trị được xem như nghề lâu đời thứ hai (trên trái đất). Tôi đã nhận ra nó có sự tương đồng rất gần với cái nghề lâu đời nhất” (Politics is supposed the second oldest profession. I have come to realize that it bears a very close resemblance to the first)

Ký Thiệt

Bài Khác