Trung Cộng: Kinh tế tư bản thân hữu đảng trị

Trung Cộng: Kinh tế tư bản thân hữu đảng trị

July 17, 2019l

Đại-Dương –:  Năm 2015, Tập Cận Bình nắm trọn vẹn ba chức vụ Chủ tịch Đảng, Quân uỷ Trung ương, Chủ tịch nước đã công bố Học thuyết “Bốn Toàn diện: Xây dựng một xã hội giàu mạnh toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước theo luật pháp toàn diện, quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện”.

Nội dung bao trùm của Học thuyết Tập Cận Bình tập trung mọi quyền lực để phát huy tham vọng thống trị toàn cầu bằng sức mạnh kinh tế. Do đó, cần biến các Tập đoàn, công ty lớn nhỏ thành một thực thể chính trị của Đảng Cộng sản Trung Hoa.

Cựu quan sát viên lĩnh vực tài chính Trung Cộng (TC), Fraser Howie nói với Nhật báo Nikkei ngày 10 tháng 7 năm 2019 “không nhà đầu tư nào nên quên rằng các doanh nghiệp nhà nước TC trước hết là các thực thể chính trị nên tuân phục quyết định của Đảng Cộng sản chứ chẳng giống các doanh nghiệp đang cố gắng tối-đa-hoá lợi nhuận”.

Sự tuân thủ các chỉ thị của Đảng được thể chế hóa trong các công ty TC ở Hoa Lục: Một công ty có trên 3 đảng viên đều phải thành lập đảng uỷ đóng vai trò lãnh đạo nòng cốt và giám sát việc thực hiện các chính sách định hướng của đảng và nhà nước, đồng thời xem xét và thảo luận về các vấn đề quản trị và điều hành doanh nghiệp.

Chủ tịch và các viên chức cao cấp của doanh nghiệp phải theo học các lớp tập huấn bí mật do Ban Tổ chức Trung ương Đảng điều hành, kể cả các tập đoàn được Tạp chí Nikkei xếp hạng 3 và 4 trong số 300 công ty mạnh nhất ở Châu Á.

Tất cả các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân đều phải thể hiện “lòng trung thành với Đảng, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.

Vì thế, Tập Cận Bình đang xây dựng một nền kinh tế tư bản thân hữu đảng trị còn tác hại hơn các chế độ tư bản thân hữu nhan nhãn trên toàn cầu.

Tập Cận Bình đang ngạo mạn tuyên bố sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu được một số quốc gia tán thưởng và mong đợi quyền tự do khai thác thị trường 1.4 tỉ dân, cùng lúc chờ khối trữ tệ trên 3,000 tỉ USD của TC sẽ rơi như sung rụng để tha hồ nhặt.

Chỉ một thời gian ngắn, một số quốc gia ôm chân Bắc Kinh đã phải ngậm đắng nuốt cay vì bị rơi vào kiểu“ngoại giao bẫy nợ” và “thương mại ăn cướp” đến phải cầm thế chủ quyền hoặc quyền-chủ-quyền quốc gia cho TC.

Cơn bão Tập Cận Bình đang tàn phá thế giới đột ngột khựng lại khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại mọi hành vi phá hoại luật pháp quốc tế của TC đã kéo dài suốt 40 năm nhằm khôi phục lại mối quan hệ kinh tế “bình đẳng và hỗ tương”, chấm dứt tình trạng “mạnh hiếp yếu trong môi trường bang giao quốc tế”.

Tổng thống Trump đã duyệt xét lại các thoả ước kinh tế bất-bình-đẳng do khẩu hiệu “win-win” mơ hồ làm cho Tập Cận Bình rơi chiếc mặt nạ che đậy tham vọng thống trị nền kinh tế toàn cầu.

Chuẩn bị Quốc khánh 70 năm vào ngày 1 tháng 10 năm 2019, Tập Cận Bình muốn phô trương thành tựu của TC sau 7 năm cầm quyền. Nhưng, đang lúng túng khi bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế và vụ xuống đường đòi quyền tự quyết của người Hồng Kông.

Biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và sự thức tỉnh của dân chúng Hồng Kông chỉ là hậu quả của chính sách tư bản thân hữu đảng trị Tập Cận Bình.

Tại G-20 ở Osaka, tuy Tập Cận Bình và Donald Trump đã đồng ý tạm thời nối lại cuộc đàm phán thương mại. TC ở thế hạ phong vì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp thuế 25% lên 250 tỉ USD hàng hoá nhập từ Hoa Lục so với Bắc Kinh trả đũa 110 tỉ USD. Trump nói thẳng nếu đàm phán thất bại sẽ áp thuế thêm 300 tỉ USD. Nhằm bày tỏ thiện chí nên Tổng thống Trump cho phép các công ty kỹ thuật cao của Mỹ tiếp tục bán các loại chip cho TC tới hết thời gian ân hạn vào tháng 9-2019.

Hoa Kỳ áp đặt biện pháp thuế quan và cấm vận kỹ thuật đã gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế TC. Suốt 40 năm qua, cộng đồng quốc tế đã đầu tư vào Hoa Lục khoảng 100 tỉ USD mỗi năm, cộng thêm chuyển giao kỹ thuật chính thức hoặc bán-chính-thức làm gia tăng sự phát triển. Tuy nhiên, GDP nominal của TC năm 2018 chỉ được 9,600 USD xếp hạng 67 trên thế giới (theo IMF) so với 63,000 USD của Hoa Kỳ.

Một số chuyên gia quốc tế, kể cả Việt Nam bênh vực TC trong cuộc chiến thương mại và kỹ thuật với các lập luận: cả hai bên và cộng đồng quốc tế đều bị thiệt hại; hàng hoá bị thiếu vì chẳng nước nào có khả năng sản xuất ồ ạt bằng TC; trừng phạt thuế quan, cấm vận thúc đẩy Bắc Kinh sáng tạo thay thế cho Hoa Kỳ.

Cần xác định ai thiệt hại nhiều và lâu dài hơn. Khi Hoa Lục chưa có hàng hoá xuất cảng thì nước dân chủ tự do trên thế giới vẫn cung cấp đầy đủ và dư thừa cho nhân loại. Sáng tạo không dễ mà chẳng phải phải một sớm một chiều có được. Chuyên gia ở Hoa Lục từng bắt chước làm một loại chip giống của Hoa Kỳ suốt 5 năm mà phẩm chất vẫn kém hơn. TC vẫn phải dựa vào Tây Phương về vốn, kỹ thuật hiện đại để phục vụ sản suất.

Cục Thống kê TC cho biết tăng tưởng GDP trong đệ nhị tam cá nguyệt chỉ được 6.2% so với 6.4% của đệ nhất tam cá nguyệt. Giới chuyên gia quốc tế đều tiên đoán kinh tế TC tiếp tục đi xuống trong bối cảnh chiến tranh thương mại, kỹ thuật với Hoa Kỳ.

Cục Thống kê TC dựa và số liệu từ các địa phương bị mắc bệnh thành tích. Các chuyên gia ở Bắc Kinh cho rằng tăng trưởng GDP 6.6% trong năm 2018 thực ra chỉ được 1.6% hoặc số âm. Giới chuyên gia quốc tế như Conference Board dự đoán, GDP của Trung Quốc chỉ có thể tăng bình quân 3,8% trong giai đoạn 2019-2023, và giảm còn 3,4% từ 2024 đến 2028.

Chưa ai biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến giờ mới chấm dứt, nhưng, chắc chắn nền kinh tế TC sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân tác giả quyển “China’s Crony Capitalism” khuyên Tập Cận Bình nên chấp nhận thoả thuận của Donald Trump bao gồm vài điều khoản nhục nhã.

Trong bài diễn văn năm 2017, nhân kỷ niệm 20 năm chuyển giao Hương Cảng (Hồng Kông) cho TC, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hiểm tới chủ quyền và an ninh của TC, thách thức quyền lực Đặc khu hành chính Hồng Kông hoặc sử dụng Hồng Kông để thực hiện các hoạt động xâm nhập và phá hoại đối với Hoa Lục là hành động vượt lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Vì thế, Tập Cận Bình ra lệnh cho Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tìm cách thông qua Luật Dẫn độ buộc dân chúng Hương Cảng xuống đường phản đối hơn một tháng chưa chấm dứt. Lần đông nhất lên tới 2 triệu trong số 7.4 triệu cư dân như một đòn giáng mạnh vào vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình. (1) Bắc Kinh không cho Carrie Lam từ chức để chịu thay vụ khủng hoảng. (2) Tập Cận Bình bị thách đố trong Đảng về khả năng lãnh đạo. (3) Nguy cơ bị quốc tế trừng phạt hoặc Tổng thống Trump huỷ bỏ Đạo luật Chính sách Hương Cảng của Hoa Kỳ để công nhận Hương Cảng như một thành phố tách rời. (4) Đài Loan không còn lý do tin vào công thức “một quốc gia, hai thể chế”.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel gia đoạn 2013-2017 nhận xét “TC chưa bao giờ hiểu rõ về chính trị Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ của ông Trump, hơn là chính quyền Donald Trump hiểu về chính trị TC”.

Mê hồn trận này dường như vượt quá khả năng lãnh đạo của Chủ tịch toàn diện Tập Cận Bình.

Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

Xi doctrine comes before profit for China’s state-owned companies (Nikkei)

China GDP growth slowed to 6.2% in second quarter (Asia Times)

Xi faces unpalatable choices on trade, politics and Hong Kong (Nikkei)

China’s Growth Slides to Weakest Pace in Almost Three Decades (Bloomberg)

Hong Kong Leader Carrie Lam Has Offered to Resign Over Extradition Bill Protests But Beijing Says No: Reports (Epoch Times)

28 injured as police and protesters clash inside Sha Tin mall (Asia Times)

Bài Khác