Trương Sĩ Lương: Anh Đã Về…

Trích: Tuyển tập Lý Tống trong lòng dân tộc – xuất bản 1992

THÔNG BÁO

Vĩnh Biệt Anh Hùng Lý Tống

Vào lúc 9 giờ 16 phút tối thứ Sáu, 5/4, giờ Cali, cựu sĩ quan phi công có biệt hiệu Ó Đen của không lực Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức ra đi.

Đại diện gia đình Lý Tống kính thông báo

Bào Huynh: Ông Lê Xuân Nhuận

♦♦

1) Ngày 4 tháng 9 năm 1992, người hùng Lý Tống đã đoạt một máy bay dân sự Air Bus, từ Thái Lan, rải 50 ngàn tấm truyền đơn xuống thành phố Saigon kêu gọi người dân đứng lên đòi Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam. Sau 6 năm tù, nhờ sự vận động của người Việt hải ngoại và quốc tế, người hùng Lý Tống được CSVN trả tự do vào năm đầu tháng 9 năm 1998.

2) Hai năm sau, đúng vào dịp nhân loại đón mừng Thiên Niên Kỷ thứ ba, năm 2000, Lý Tống lại một mình một con tàu mong manh bay vào đất Cuba, rải truyền đơn chống nhà độc tài Fidel Castro. Lần này, anh được dân Cuba tại Florida chào mừng như một anh hùng của họ.

3) Ngày 17-11 năm 2000, Lý Tống, một lần nữa, từ Thái Lan bay qua Việt Nam rải truyền đơn chống cộng rồi bay về đáp an toàn trên đất Thái. Nhưng bị áp lực NẶNG của CSVN, anh đã phải chịu tù ngục 7 năm 4 tháng trên đất Thái Lan. Sau đó anh được trả tự do về Mỹ vào năm 2007…

Bài “Anh Đã Về” dưới đây là một trong hàng chục bài viết về anh hùng Lý Tống mà chúng tôi đã viết và đã phổ biến trên tạp chí Thế Giới Mới trong hơn 30 năm qua. Ngưỡng mộ trước hành động rất ngoạn mục trong phi vụ đầu tiên trở về thắp lửa đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam vào năm 1992, chúng tôi xin gởi tặng Lý Tống để kỷ niệm về “những ngày xưa thân ái” cùng với bằng hữu đã sát cánh bên anh tại thành phố New Orleans, Louisiana,  trước khi anh lên đường bay vào đất địch.

Thức khuya đến bốn năm giờ sáng đã trở thành thói quen đối với tôi, có lẽ những bạn đồng nghiệp trong nghề làm báo trên đất người cũng đều mắc phải cái bệnh thông thường này. Buổi sáng, nếu một người bạn nào đó gọi điện thoại đến quá sớm, chắc chắn tôi sẽ đàm thoại một cách rất là mê ngủ… Nhiều lúc, sau khi thức dậy đã quên lững những gì mình nói với người ta! Bình thường, mỗi tối thứ Bảy trước khi đi ngủ tôi rút dây điện thoại trong phòng, ai gọi đến sớm vào sáng Chủ Nhật thì chắc chắn chỉ nghe máy trả lời.

Tối thứ Bảy 5-9-92, tôi và nhà tôi là Diệp Thục, về quá khuya từ một buổi sinh nhật ở ngoại ô thành phố Dallas; mệt mỏi, lăn ra ngủ vùi. Mới nằm xuống chừng vài ba tiếng đồng hồ, thì có tiếng điện thoại reo ba lần! Diệp Thục bực mình:

— Quên rút dây điện thoại rồi phải không?

Tôi không trả lời Thục, chậm chạp vớ lấy ống nghe trong mệt mỏi:

— Hê…hê…lô?

— Có tin giựt gân, dậy nghe đi anh?

Tôi vẫn còn mê ngủ:

— Xin lỗi ai đằng dây?

— Em, Kh. đây.

— Gì đó?

— Bản tin trong phần “World Briefly” của tờ Star Telegram sáng nay nói rằng, trên một chuyến bay hàng không dân sự Air Vietnam, cất cánh từ Bangkok đi Sàigòn; khi đến không phận Việt Nam, một người thanh niên uy hiếp phi hành đoàn, buộc họ phải bay thật thấp vòng quanh thành phố nhiều lần, rải hàng ngàn tấm truyền đơn xuống thành phố Sàigòn rồi nhảy dù ra ngoài.

Thằng em đọc nguyên văn bản tin cho tôi nghe bằng Anh ngữ như vậy. Tôi tỉnh người:

— Còn gì nữa không? Chết cha!

— Bản tin chỉ chừng đó thôi. Em nghĩ là anh ấy…

— Ừ.

Tôi gác điện thoại và không kịp bye bye, phóng khỏi giường trong chiếc quần lót, chạy xuống cầu thang, hấp tấp té nhào xuống mấy tầng cấp. Đau quá! Nhưng tôi vẫn tiến ra cửa trước. Hé cửa, vớ lấy tờ báo Chủ Nhật 6-9-92 nằm trước thềm nhà, lật thật nhanh và đọc ngấu nghiến. Đúng, chỉ một đoạn tin ấy thôi, nhưng chắc chắn rồi. Nó rồi chứ chẳng còn ai trồng khoai đất này! Tôi bỗng đâm bối rối, tim đập mạnh, hồi hộp, lo lắng…

Tôi trở về phòng, leo lên giường, đốt điếu thuốc nằm suy nghĩ. Chừng 15 phút sau, tôi vói tay lấy mảnh giấy note book trên bàn mà đứa con gái út Vina, thường ghi những messages khi tôi đi vắng: “Ba, please call Bác Nghia ở Canada immediately.” Chữ Nghĩa không có dấu ngã và nội dung của message bao giờ cũng Việt Mỹ lẫn lộn. Tội nghiệp cho nó, sinh trên đất người từ 75 nên viết tiếng Việt thường không biết bỏ dấu!

Tôi gọi ngay văn hữu Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tờ Làng Văn ở Canada, anh ấy đọc nguyên văn bài báo của tờ South China Post có nhiều chi tiết hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi gọi ngay cho anh Võ Văn Ân, anh ấy lật đật chạy qua với bản tin tương tự trong tay. Chúng tôi nhìn nhau không nói, miệng đắng như ngậm ngải.

— Làm gì bây giờ anh?

— Thì cứ bình tĩnh làm ly cà phê uống cái đã.

Tôi đang nhấm nháp ly cà phê và thổi khói thuốc lên trần nhà thì có tiếng điện thoại reo. Tiếng người bên kia đường dây nghe thật rõ:

— Tôi là Chử Bá Anh, xin cho gặp anh Lương?

— Dạ thưa tôi đây.

— Thông báo cho anh biết thêm và có chi tiết nhiều hơn:“Theo hãng thông tấn xã AFP thì người uy hiếp chuyến bay Air Bus 310 do Vietnam Airline thuê của hãng Jess, Bulgary chính là anh Lý Tống. Trên chuyến bay VN 850 từ Bangkok đi Việt Nam, khi đến gần không phận Sàigòn, Lý Tống đã dùng sợi dây điện tròng vào cổ một nữ tiếp viên, lôi cổ cô ấy vào phòng lái và ra lệnh cho hai viên phi công người Bulgary phải bay thật thấp nhiều vòng trên vòm trời Sài gòn và rải hàng ngàn tấm truyền đơn xuống thành phố. Làm xong nhiệm vụ, Lý Tống ra lệnh mở cửa hông để nhảy ra ngoài, nhưng gió đập quá mạnh và sợ bị hút vào máy phản lực, Lý Tống quay trở lại phòng lái, mở cửa sổ và nhảy dù ra ngoài.”

Hiện tại tôi chưa biết tình trạng anh ấy ra sao! Có tin gì thêm, tôi sẽ cho anh biết. Đúng là một hành động phi thường, ít ai làm được.

Tôi đã nghe hết, nghe thật rõ từng chữ một. Tôi cám ơn anh, gác điện thoại rồi nói với anh Ân:

— Anh Chử Bá Anh vừa cho biết người uy hiếp và rải truyền đơn kêu gọi tổng nổi dậy chính là Lý Tống. Các hãng thông tấn xã đã xác nhận như thế.

Có lẽ anh Ân biết tính tình “nói là hành động” của Lý Tống nên anh ấy rất bình tĩnh. Còn tôi, tôi không thể giữ được cơn xúc động, cũng không còn nhớ tôi đã làm gì lúc đó. Có lẽ tôi không khác một người đang mê ngủ, chạy lên gác, lấy thùng đồ của Lý Tống gởi hơn nửa tháng qua với lời dặn: “Chỉ khui thùng khi thấy cần”. Thật ra, không khui thì tôi cũng đã đoán biết Tống đã gởi những gì rồi. Tôi quyết định khui nó trước mặt anh Ân. Anh ấy giục:

— Khui lẹ lên coi thử nó gởi cái gì?

Tôi khui thật lẹ, trên mặt những phong bì màu vàng khaki là một lá thư và một chúc thư có con dấu nổi của luật sư. Tôi lướt thật nhanh qua nội dung và trao cho anh Ân. Soạn đồ ra khỏi thùng:  giấy tờ, hình ảnh, băng nhựa video, cassettes, diskets, tập truyện Black Eagle đã layout và nhiều thứ khác… Cho băng nhựa vào máy video, hình ảnh của Lý Tống hiện ra trong bộ võ phục Thái Cực Quyền thật oai hùng, anh đeo đai đen đệ nhất đẳng đang song đấu với một võ sư to lớn người Mỹ da đen. Tôi buột miệng:

— Nó giỏi thật, đúng là văn võ kiêm toàn!

Anh Ân nhìn vào màn ảnh một cách chăm chú, nhưng không có ý kiến. Hết đoạn đấu võ, phim quay sang một đoạn khác, đoạn này ca sĩ Hùng Cường giới thiệu Lý Tống có đôi lời với cử tọa đang tham dự đêm vận động nhân quyền cho hai người em kết nghĩa của anh, đó là Dương Ngọc Cư và Trần Văn Bé Tư. Lý Tống nói và phát biểu ý kiến trong phim rất chân thành đến công cuộc đấu tranh đòi tự do cho quốc gia dân tộc; nói đến những kẻ nội thù đang làm tay sai cho bạo quyền Hà Nội… Lý Tống thao thao bất tuyệt với công cuộc trừ khử những thành phần phá hoại cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại. Thứ đó càng ngày càng nhiều, càng lan tràn như một chứng bịnh dịch hạch.

Tôi đứng dậy tắt video, cố lấy lại bình tĩnh để gọi thông báo cho một vài người bạn ở xa. Khi nghe câu chuyện về hành động can đảm của Lý Tống, ai cũng xúc động; có người cứ tưởng là tôi nói giỡn chơi, có người ngạc nhiên đến nổi phải buông những tiếng chửi thề. Lại cũng có người chưa hiểu câu chuyện ra đi của Lý Tống đã vội chê trách là một hành động điên rồ, phi chính trị. Tôi chỉ cười, chẳng thèm tranh luận, bởi Lý Tống đã dùi mài kinh sử hơn tám năm tại đại học UNO về môn chính trị học mà lại bảo người ta “phi chính trị” thì quả là mình mới phi chính trị, nếu không muốn nói là mình chẳng biết đếch gì về chính trị.

Tôi đã từng tranh luận, đấu láo đủ các đề tài với Lý Tống khi còn ở New Orleans, mỗi lần gặp nhau là bàn luận lung tung về thời sự. Mỗi ngày anh phải dán mắt vào đài truyền hình trên những mục bình luận để viết bài tham luận thời sự chiến cuộc và tình hình thế giới. Vụ Thiên An Môn xảy ra ở Trung Hoa Lục Địa, Tống đã mất ngủ nhiều đêm. Dạo đó, thiên hạ bàn rằng, nếu phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ ở quốc gia này thành công thì chắc chắn Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ tiêu tùng. Việt Nam và Tàu như răng với môi, “môi hở răng lạnh”.

Nửa đêm Tống kéo tôi dậy:

— Ê, cho mượn một ngàn, ngày mai tôi mua vé đi Bắc Kinh nhập cuộc phong trào sinh viên đang đấu tranh đòi tự do dân chủ?

Tôi đang mê ngủ, nhưng cũng cố nói cho qua chuyện:

— Mai rồi tính, chuyện bên Tàu mắc mẹ gì mình mà lo!

— ĐM, Cộng sản Tàu hay Việt Cộng cũng vậy thôi, tôi muốn bay qua đó nhân danh sinh viên Mỹ xuống đường hợp lực đấu tranh với anh em sinh viên tự do quá! Hàn sĩ thật khổ, muốn thực hiện cái mẹ gì cũng khó! Chiều nay coi Tivi thấy chiến xa bọn Cộng sản dàn trận đàn áp sinh viên, muốn điên người lên!

— Ừ, ngày mai đem credit card đi “cà ” một cái là xong ngay! Nhưng chắc gì bạn được nhập cảnh, tụi nó đang đuổi người ngoại quốc ra khỏi nước để tính chuyện nội bộ của họ đó. Vả lại, bạn chưa có quốc tịch Mỹ làm sao vô được Trung Cộng, nhất là trong tình trạng rối ren hiện tại.

Lý Tống vẫn cố nài nỉ:

— Cách nào mà ta qua đó được thì thôi.

Thế rồi Lý Tống không thực hiện được chuyến đi đó vì hai ngày sau Thiên An Môn đổ máu, công an và quân đội đang lùng bắt hàng ngàn sinh viên đưa vào tù. Tình hình chính trị tại Trung Cộng trở nên phức tạp, người chết không còn đếm được, xe tăng Cộng quân chạy bừa lên xác người… Hồi đó, ai cũng hi vọng, cao trào dân chủ tự do đang cháy bùng tại những quốc gia Cộng sản và bộ mặt thế giới sẽ đổi thay. Sinh viên Bắc Kinh làm cú này chắc sẽ thành công.

Cả mấy tuần lễ Lý Tống thở ra thở vào:

— Bọn nó khát máu thật, Cộng sản Tàu hay Cộng sản Việt cũng chỉ một thứ thôi! Đù mẹ giận không thể chịu được.

Lý Tống lấy tay đấm vào cánh cửa. Tôi an ủi:

— Thôi đợi khi nào tình hình Việt Nam thuận lợi, cụ mi làm một chuyến cũng chưa muộn. Chắc chắn lúc đó chúng ta sẽ có rất nhiều việc để làm. Mình nghĩ là ngày đó cũng không còn xa nữa đâu.

Ngày bức tường ô nhục ở Bá Linh sụp đổ, Lý Tống vui mừng và nhậu suốt đêm với bạn bè, hàn huyên chuyện dài Cộng sản thế giới. Những ngày biến chuyển trọng đại tại Liên Sô, Lý Tống thức suốt đêm để theo dõi tin bình luận trên các hệ thống cable và gọi liên miên cho tôi về những triển vọng thành công vượt mức của trào lưu dân chủ tự do tại quốc gia này. Ngày tượng Lenin bị dân chúng kéo xuống, Lý Tống khề khà bên kia đường dây điện thoại với ly rượu:

— ĐM, đã quá! sẽ viết một bài bình luận cho tờ báo của bạn đó.

Con người của Lý Tống là vậy, anh chọn con đường chính trị và đã triền miên thao thức, ưu tư vì quê hương đang ngụp lặn trong gông cùm tủi nhục. Từ những thao thức đó, anh đã trui rèn cho chính con người anh một hướng đi rõ ràng:

— Mỹ nhân là họa thủy, anh hùng mới thiên thu. Gia đình là gánh nặng cho bước chân đi tới của mình, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Đất nước đang cần những người trai không bị một ràng buộc nào cả. Mình phải thực hiện tư tưởng khác người, sự lựa chọn khác người mới xứng đáng làm trai khi đất nước đang cần bàn tay của mình đóng góp một cách tích cực. Sanh sanh, hoá hoá chỉ làm khổ cho tha nhân. Trên thế giới này có rất nhiều người sống độc thân với tâm nguyện hiến dâng đời mình cho đất nước; nhất là một quê hương dân tộc đang sống trong nghiệt ngã khổ đau, cả một thế hệ thanh thiếu niên đang bị những tên lừa bịp quăng vào sọt rác, Lý Tống sẽ phải làm một cái gì đó. Cái đó là cái hạnh phúc nhất trong nội tâm tôi.

— Chứ không phải ở vậy để chôm được nhiều người đẹp sao?

— Cũng già rồi, còn mẹ gì nữa! Hơn nửa đời người mà chưa làm gì được cả!

Lý Tống là một mẫu người rất có chiều sâu trên nhiều phương diện. Bề ngoài, người ta chỉ nhìn anh qua lăng kính thâu hẹp của những cuộc vui, nhảy đầm, yêu đương loạn xạ… Thế nhưng, trong nội tâm anh là cả một vòm trời bao la về quê hương đất nước. Không làm thì thôi, làm gì thì chỉ có trời cao mới hiểu nổi.

Lý Tống mê đọc sách hơn mê mỹ nhân. Trong tủ sách tràng giang đại hải về môn chính trị mà anh theo học hàng ngày, cặm cụi chăm chỉ, nhưng anh cũng dành thì giờ để nghiên cứu văn chương thi phú. Phải nói là anh thuộc lòng cả những bài cổ văn mà tôi nghĩ là rất khó nhớ ở những lớp trung học.

Có tiếng điện thoại của tiến sĩ Stephen Ambrose, người cùng đứng tên với tôi trong chúc thư số một, gọi đến từ New Orleans đầy những lo lắng của tình thầy trò:

— Xin giới thiệu, tôi là giáo sư Ambrose, cho tôi gặp ông Lương?

— Hân hạnh được gặp giáo sư, tôi đây.

— Anh nhắn tin trong máy ghi âm về chuyện Lý Tống?

— Giáo sư đã nghe về chuyện Lý Tống rồi chứ?

Tôi kể sơ qua chuyến về của Lý Tống, ông ấy thở ra đầy vẻ lo lắng:

— Không biết Lý Tống nhảy dù xuống rồi có sao rồi!

— Tôi cũng không rõ, có gì tôi sẽ gọi cho giáo sư ngay.

  1. Ambrose nói rất thận trọng:

— Để rồi tính, chắc chắn là chúng ta phải làm gì cho Lý Tống.

— Dạ, còn cuốn tự truyện Black Eagle thì ông nghĩ sao?

— Chừng nào nhà xuất bản ở New York chịu in và phát hành thì họ sẽ gọi chúng ta. Tôi nghĩ nhân vụ này, sách của Lý Tống sẽ có giá hơn.

— Tôi cũng hy vọng như vậy. Còn vấn đề an toàn cho Lý Tống, ông có giúp gì được không?

— Tôi sẽ vận động, sẽ gọi anh sau. Good bye!

Gác điện thoại, tâm hồn tôi bỗng dưng rối loạn như lửa đốt. Tôi lại đốt thuốc lá, nhìn anh Ân như muốn được chia sẻ những ưu tư lo lắng đang rối bời trong trí óc. Tôi soạn những món đồ kỷ niệm mà Lý Tống gởi, đặt lên bàn. Một phong bì đầy hình ảnh cũ mới: hình màu, hình đen trắng, chụp chung với bạn bè, chụp một mình với phi cơ huấn luyện, với dù, với bộ đồ pilot màu cam mà anh rất ưa. Tất cả những thứ đó như nhảy múa trước mắt tôi, tôi nghĩ:

— Mày gan thật, mày oai hùng thật, chuyện mới nghe chắc chắn người ta cứ tưởng mày đang đóng phim, một loại phim sống mà người quay phim là dân, là công an, bộ đội súng ống ập tới dúi vào người mày thay vì những chiếc cameras tinh vi ở Hollywood.

Tôi gọi cho người chị ruột của Tống ở Tulsa, Oklahoma. Bên kia đường dây, chị ấy lặng thinh khi nghe tôi nói về bản tin. Có lẽ những giọt nước mắt nóng đang trào ra trên đôi má hiền lành của một người thân cật ruột. Tôi chẳng biết gì hơn, chỉ còn an ủi chị ấy, không biết tôi an ủi chị ấy hay tôi đang an ủi cho chính tâm hồn tôi. Cố dằn cơn xúc động, nhưng vẫn thấy đắng họng, bởi những cảm xúc tự nhiên của tình bạn, tình anh em, tình người…

Bên kia đường dây chị ấy kể:

— Qua đây được một năm rồi, cứ trông cậu ấy qua thăm một chuyến, nhưng cứ nói bận học không đi được! Bây giờ thì hết rồi!

Chị lại im lặng. Tôi nghe những quặn thắt trào dâng trong lòng. Tôi nói để trấn an:

— Chị ạ! Tống nó ra đi vì đại cuộc, đành rằng mình thương thì mình lo sợ… Nhưng tôi nghĩ chẳng thằng nào làm gì Tống được đâu. Với cái tinh thần bất khuất đó, tôi nghĩ không sao đâu.

— Cách đây hơn một tháng, cậu ấy có gọi và nói đến cái vụ này… tôi có can ngăn và đòi em phải qua thăm tụi tui một chuyến…rồi tính gì thì tính…25 năm rồi chưa gặp được em! Chừ trên đất người hi vọng được gặp, thì lại không gặp được! Lần cuối cùng…tui năn nỉ cậu ấy, nhưng cậu nói đừng mềm yếu và sau đó cúp luôn đường dây điện thoại. Đó là lần cuối tôi nghe giọng nói của Tống.

Tôi lại an ủi, biết rằng những lời an ủi trong lúc này chẳng có một giá trị nào cả trước nỗi đau quặn thắt của một người thân. Nhưng biết nói gì ngoài những lập luận thông thường để trấn an chị ấy. Tôi chào tạm biệt chị, đốt điếu thuốc, lặng người suy nghĩ vu vơ một lát thì tiếng anh Ân đánh thức tôi quay về thực tại:

— Coi thử còn gì nữa không?

— Hai bản thảo luận án tiến sĩ dày cộm nằm riêng trong một phong bì.

— Phong bì kia?

— Những lá thư tình của H. của N. của M…

Tôi không còn trí óc để đọc những lá thư tình giấu kín này nữa. Anh Ân không còn đặt những câu hỏi về Lý Tống, ngồi yên lặng trên chiếc salon đưa mắt qua cánh cửa kiếng sau nhà. Buổi sáng trời mùa Thu âm u và buồn. Gió đổi mùa mang theo những giọt mưa bay bay tạt vào cửa kiếng nghe thật rõ. Chúng tôi im lặng, mỗi người đang thả hồn về một khoảng thời gian nào đó trong ký ức, có lẽ đang tự mình vẽ lại những bức tranh thật đẹp về Lý Tống. Im lặng!! Không còn lời nào để nói với nhau nữa. Anh Ân thở dài, có lẽ anh ấy đang quay về quá khứ xa gần với Tống: đời phi công chiến đấu hào hùng trên vòm trời đất mẹ, một mình một con tàu tung mây lướt gió… và những ngày buồn vui tại thành phố buồn New Orleans. Còn tôi, mang đầy ân hận là đã không vui với Tống qua điện thoại trước khi anh ấy lên đường. Tôi nhớ lại hôm đàm đạo sau cùng:

— Làm gì cũng phải có hậu thuẩn mới thành công được? Hãy suy nghĩ thật kỹ?

— Hậu thuẩn… từ chỗ nào? Ai? Gần mười tám năm rồi, hải ngoại làm được cái gì? Chỉ biết nói, nói, nói và nói nhiều!

Hắn cúp điện thoại, có lẽ tôi đã làm nó cụt hứng. Tối hôm đó, Tống gọi cho nhà tôi nói chuyện thật vui vẻ, chào tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ khi đất nước hồi sinh. Chúc các cháu học hành thành tài để mai này trở về phục vụ cho quốc gia sau khi CS sụp đổ. Tôi vẫn tin là Tống không bao giờ giận tôi, dù là những đóng góp nhiều khi rất nghịch ý.

Lại nhớ tới hôm đàm đạo với Tống vào giữa tháng Bảy về hai bản di chúc. Đó là một sáng Chủ Nhật, Tống cũng đánh thức tôi dậy sớm:

— Ê, giờ này mà còn trên giường thì đấu tranh, đánh trâu cái mẹ gì?

— Ừ, tối hôm qua thức khuya viết bài, ngày mai báo lên khuôn ông nội ơi! Đúng là cái nghề mệt mỏi nhất trong xã hội tạm dung này!

— Cho xin số social security của anh có chút việc?

— Làm gì?

— Thì ĐM. Làm gì cũng được. Sợ tui black mail chuyện tình hay sao? Nói đưa là cứ đưa, không nên thắc mắc, được không?

Tôi cười rồi đọc số an sinh xã hội cho nó và cũng chẳng thèm hỏi tới mục đích của bạn. Cũng chẳng cần biết nó làm mẹ gì với cái con số đó, nhưng tôi cũng đoán biết là Tống đang có dự định làm gì lớn lắm nên mới hỏi tới số an sinh xã hội. Hai hôm sau hắn gọi lại:

— Xong rồi…

— Xong chuyện gì?

Lý Tống im lặng một giây lâu rồi cất tiếng rất chững chạc:

— Tôi đã ra luật sư nhờ họ viết một văn kiện ủy quyền và một chúc thư cho anh.

Tôi ngạc nhiên:

— Để làm gì? Chuyện gì mà có vẻ trọng đại như thế?

— Tôi sắp đi xa, không biết có còn ngày gặp lại anh hay không!

Tôi giữ im lặng. Lại nghĩ chắc nó nổi máu “Thiên An Môn” nữa rồi:

— Cứ giỡn hoài, có chuyện thì cứ nói đại lên đi!

Lý Tống nói rất bình tĩnh:

— Chuyến đi này chết bảy phần, thành công và sống sót chỉ có ba phần.

— Không chắc ăn như vậy thì sao lại làm?

— Mọi việc trên đời này nhiều khi đều do định mệnh an bài, nhưng việc cần làm thì phải làm, chúng ta không thể ngồi chờ sung rụng được nữa! Tôi phải làm một cái gì đó cho quê hương đất nước. Anh hiểu điều tôi nói chứ gì? Đã đến lúc tôi phải ra đi… Điều tôi làm chắc chắn rồi đây anh sẽ hãnh diện là đã có một thằng bạn như tôi.

Tôi có cảm tưởng như anh ấy đang chán đời vì một sự việc gì đó, nên mới gọi tôi để thổ lộ tâm tình. Tôi nói ngay:

— Làm gì thì cũng phải bình tĩnh. Vả lại, đang chờ ra hội đồng để đội áo mão tiến sĩ lại đòi đi đâu nữa đây?

— Anh đã biết nhiều về con người tôi rồi, cần gì phải giải thích mất thì giờ và tốn tiền điện thoại. Tôi đã sửa soạn cho cuộc hành trình này gần cả năm nay rồi. Tất cả đều đã chuẩn bị chu đáo, chỉ chờ ngày lên đường. Tuần sau anh sẽ nhận đồ tôi gửi và nhớ làm theo lời dặn là tôi vui rồi. Nếu được thì về đây chơi với tôi ít ngày có được không?

— Mới về thăm các bạn hôm tháng Năm rồi. Đi mãi bỏ công việc không ai làm!

— Vậy thì thôi, hẹn ngày gặp lại…

Suốt mấy ngày liên tiếp tôi sững sờ như một người lạc hồn. Báo lên khuôn, tôi chẳng viết lách gì được cả! Điện thoại bạn bè tới tấp gọi tới thăm hỏi. Các tờ báo bạn ở xa muốn biết thêm tin để lên khuôn. Tôi không biết phải làm gì lúc đó! Trường Sơn Lê Xuân Nhị liên lạc thường xuyên và thúc giục phải lên tiếng để đốc thúc tinh thần đấu tranh của tập thể người Việt quốc gia tại hải ngoại. Ngọn lửa Lý Tống đã đốt lên trong lòng dân tộc, chúng ta quyết chí gom sức để tiếp nối ngọn đuốc ấy đang bừng bừng bốc cháy:

— Anh thấy không? Có ai so sánh được với Lý Tống? Những ngày cuối cùng với chúng tôi bên này, anh ấy rất bình tĩnh, lộ trình hành động cũng được sửa soạn rất kỹ càng.

Tôi thở dài:

— New Orleans là nơi xuất phát của Lý Tống, bên đó anh em đã làm gì chưa?

— Lu bu nhiều chuyện quá, chắc phải đợi vài ngày nữa coi tin tức ra sao rồi gặp anh em bàn chuyện cũng chưa muộn.

— Tuần sau tụi tao xuống.

Cuối tuần đó, anh Ân, Diệp Thục và tôi đi New Orleans để gặp gỡ anh em bạn bè. Sau gần 10 tiếng đường bộ, từ xa lộ I-20, băng qua 49 rồi vào I-10. Ngồi trên xe, chúng tôi nghe hết hai cuốn băng cassette mà Tống thâu lại từ nhiều cuộc đàm thoại với một người bạn cùng khóa 65A mới qua định cư tại Cali. Trong cuốn băng đàm thoại ấy, có lẽ được thu vào khoảng tháng Ba năm 1992, nội dung của nó có rất nhiều mẩu chuyện khác nhau: chuyện hoạt động của những anh em mà Lý Tống móc nối bên nhà, chuyện ưu tư về quê hương đất nước…

Người bạn trong cuốn băng tiết lộ rằng, trước khi ra đi theo diện HO, anh đã bị bọn công an kêu lên điều tra nhiều lần vì những thành tích hoạt động của Lý Tống. Có lẽ hai lá thư mà Lý Tống đã gởi: một cho Nguyễn Văn Linh năm ngoái và một lá thư khác gởi cho Võ Văn Kiệt đã làm anh ấy bị kêu lên phòng điều tra chăng? “Tụi nó coi mày (Lý Tống) và tướng Lê Quang Lưỡng là thành phần cực kỳ nguy hiểm…” Đó là lời nói của người bạn Lý Tống trong băng.

Chúng tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần về hai cuốn băng. Trong đó, anh đã sửa soạn rất kỹ cho chuyến về quê hương đầy dũng cảm này.

Đến nửa đêm chúng tôi mới mò vào thành phố New Orleans. Thành phố về đêm đã buồn, lại càng buồn hơn khi anh Ân cho xe chạy vào những con đường cũ quen thân. Mười mấy năm ở đó, dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như có một cái gì đó lâng lâng ở trong tâm hồn. Kỷ niệm những ngày đầu tiên đặt chân lên thành phố này hiện ra rõ ràng như một bức tranh sống. Một sớm một chiều quẳng gánh ra đi, rồi đến nơi này, ở nơi này hơn 13 năm, buồn vui với những người đồng cảnh ngộ. Ôi nhiều quá! Khó mà nhớ hết.

Băng qua con đường Canal, khu vực Chinatown bây giờ đã trở thành một bãi đậu xe, chẳng còn dấu tích nào của một khu phố Tàu hồi trước. Ở đó, ngày xưa thật vui, cuối tuần có quán Làng Văn, bà con thường ghé lại nghe nhạc thính phòng, có Dancing Club do Lý Tống đảm trách một giai đoạn. Lý Tống và khuôn mặt “coi trời như ngọn rau má” của anh lại hiện ra trước mắt tôi. Tôi nhắc đến Tống, anh Ân bảo đừng, sợ nó nhảy mũi. Giờ này nó đang nằm trong tù chắc phải nhảy mũi lia lịa vì hàng triệu người Việt trên thế giới, dù quen hay không quen, cũng đang nhắc tới sự trở về đầy dũng cảm hào hùng của nó. Tên tuổi của Lý Tống đã đi vào lòng dân tộc kể từ đây.

Phố xá của nước Mỹ luôn luôn có những đổi thay theo nhu cầu sinh sống của cư dân, xe cộ càng ngày càng nhiều thì đường sá phải sửa sang, mở rộng để giải quyết vấn đề lưu thông ứ đọng. Hồi mới qua năm 75, từ Đông ngạn thành phố New Orleans, qua con sông Mississippi để tới vùng Tây ngạn chỉ có một cây cầu mà người Việt mình thường gọi là cầu “con Cò”. Cây cầu này có 4 lanes, thế mà xe cộ lúc nào cũng bị ứ đọng, nhiều khi chờ cả tiếng đồng hồ mới qua được cầu!

Bây giờ thì đã khác rồi, kinh tế Louisiana gần 10 năm nay cũng suy sụp theo cơn lốc dầu lửa như các tiểu bang Texas, Oklahoma… nhưng chính phủ vẫn phải gồng mình bắc thêm một chiếc cầu song song với chiếc cầu cũ để phục vụ người dân thành phố. Nghe nói, bắc cầu xong là đã giải quyết được nạn kẹt xe. Hồi trước hẹn hò với ai ở phía bên kia cầu thì phải coi chừng trễ hẹn.

Còn nhớ, hồi Lý Tống ở chung với tôi ở Marrero, vùng Tây ngạn, anh ta cứ càm ràm về nạn kẹt xe mỗi ngày từ nhà tới trường. Ban đêm thì cặm cụi với đèn sách đến hai ba giờ sáng. Sáng mò qua cầu đi học mà trễ giờ là cả một vấn đề bất tiện. Lý Tống sắp đặt thời khóa biểu rất thứ tự: giờ đi học, giờ làm bài, giờ giao báo, giao hàng, giờ hẹn đào, giờ điện thoại… Tất cả đều tự mình đặt theo khuôn mẫu mực thước. Cuối tuần sau khi đã hoàn tất bài vở là có thể ghé chơi với bạn bè khề khà vài ba ly, thế nhưng gặp mùa thi cử thì Lý Tống gác lại tất cả những chuyện lẩm cẩm… Một cô bạn gái nào đó vô phước gọi anh vào những ngày thi cử thì coi như… đi luôn.

Bạn bè gần xa thường cho rằng Lý Tống không bao giờ bỏ mất cơ hội khi gặp một mỹ nhân nào đó, nhưng tôi cho là không có nghĩa gì với Lý Tống cả, bởi tôi đã chứng kiến cái gọi là “kiếm sĩ vô tình” của anh. Anh vẫn thường lý luận: “Cái hạnh phúc nhất là sống thật cho mình”. Rất hiện sinh. Anh thường cho rằng thiên hạ cứ luẩn quẩn mãi trong cái vô thường của trời đất… Cứ thế mà đi tìm kiếm những cái “có” để thỏa mãn những nhu cầu bình thường của con nguời. Tại sao lại không đi tìm cái “không” để được hạnh phúc trong những cái “không” đó. Tình yêu cũng vậy, có đó mà không đó, có cái gì là vĩnh cửu đâu!

Nói thì nói, nhưng người tình của Lý Tống nhiều lắm, thế mà anh vẫn thường tâm sự: “Rốt cuộc chẳng thấy yêu ai cả”! Ta đã thắng ta, trận chiến quyết liệt nhất của con người là mình thắng được bản thân mình, chống lại được những cám dỗ của chính mình. Nghĩa là trước mắt Lý Tống chẳng có gì quan trong cả, ngoại trừ những khắc khoải về quê hương, dân tộc.

Những cuộc tình của Lý Tống đến và đi như trời đất đổi mùa. Thế nhưng, bao giờ cũng sôi nổi ghê gớm và được mô tả là những cuộc tình lớn. Ngoài Hạnh, tôi cho là một cô Giang của người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học, Lý Tống còn những cuộc tình lớn nhỏ mà tôi biết qua. Trong đó có NB, một nhân vật khá nổi tiếng, đã từng thư đi tin lại với những bài thơ “nhập cuộc” đầy lãng mạn, da diết… Có lần tôi đã phụ họa với anh một vài câu thơ mà chắc anh ấy sẽ không bao giờ quên:

“Ngải Thần đây sẽ sẵn sàng”

“Đưa em lên dạo thiên đàng một phen”

“Thử một lần, rõ trắng đen”

 “Tiếc chi bình rượu lên men uổng đời”.

Lý Tống với cái đa tình, lãng mạn, yêu thơ, yêu nhạc; nhưng không có nghĩa là không dứt khoát, bởi anh ấy không đặt con tim cho những cuộc tình riêng tư trên tình yêu đất nước:

“Mỹ nhân vẫn là họa thủy, anh hùng mới thiên thu”.

Anh ấy thường nhắc đi, nhắc lại sau những cuộc tình ngắn, tình dài… nhưng anh nhất định sống độc thân để tránh những ràng buộc gia đình, bổn phận của chồng, cha…

“Nhưng mà Thượng đế đã tạo ra ta thì âm dương phải hòa hợp, Lý Tống không phải là Thánh, ĐM. ai nói như vậy là đạo đức giả”.

Trong những lá thư cuối cùng gởi bạn bè trước khi lên máy bay để thực hiện chuyến về lịch sử này, anh cũng đã sống rất thật cho mình:

“Làm và hưởng, hai việc không thể tách khỏi nhau”

Cái quan niệm rất người đó đã nói lên tinh thần dứt khoát của anh. Ngày mai lên đường để đi vào lòng địch với muôn ngàn nguy hiểm, nhưng hôm nay ta sống bình thản và vui để người khác cùng vui… “Mỹ nhân đã không làm cho ta chùng bước và cũng chẳng làm cho ta tiếc nhớ một đêm”…

Buổi sáng đầu Thu, trời New Orleans bỗng âm u và buồn lạ lùng. Có lẽ mùa Thu là mùa của chia ly, tan vỡ cũng đúng. Tống đi rồi, con đường mang tên West Bank Expressway quen thuộc với lối đi về biết bao nhiêu năm qua, không còn rộn tiếng cười của những người anh em, bạn bè đã từng “chén tạc chén thù” để đốt cháy những ngày tháng dư thừa trên phần đất tạm dung. Chúng tôi gặp lại Nhị, Đông, Đức, Cường, Tâm, Thanh… bên chén trà để ôn lại những ngày cuối cùng với Lý Tống. Cường kể:

“Những ngày cuối với anh Lý Tống, trong căn nhà đầy kỷ niệm này. Đây là chỗ anh ấy nằm, chỗ anh ấy khề khà dăm ba ly rượu tiễn của bạn bè cùng chí hướng thân quen.”

Cường kể lại bằng cảm xúc của một đứa em bên cạnh Lý Tống vào những chiều sau giờ tan sở, những đêm dài tâm sự về kế hoạch của chuyến trở về.

Lập Đông ngậm ngùi ôn lại kỷ niệm bên Tống và những chuyến lang thang đầy thích thú với một con người sống thật cho mình, lột tung cái nhân sinh quan của cuộc đời. Đôi khi, với cái quá “đàn ông tính” của anh đã làm cho một số người không ưa. Nhưng thiết nghĩ ở đời thiếu gì những người sống giả tạo với cái bề ngoài, sau lớp mặt nạ bôi son thoa phấn, nhưng thật sự bên trong là cả một đống sình. Lý Tống đã sống rất thật, sống cho mình và sống cho tha nhân, không câu nệ, không chấp nhứt, không hoa lá cành.

Buổi tối ở nhà Nhị với những ly rượu buồn:

“Ly này cho Tống, anh em tao ngồi đây để kể cho nhau nghe về con người có một không hai của bạn… Bây giờ bạn đang nằm trong một khám đường cùm xích nào đó ngay chính trên quê hương mình, nhưng mà có thấm béo gì với ý chí dũng cảm, với tinh thần vô úy mà anh đã đạt được. Uống đi bạn! Không phải là ly rượu tiễn mà là những ngậm ngùi, hãnh diện, chia sẻ với anh từ trong đáy lòng của những chiến hữu dù đang cách xa một nửa trái đất, nhưng luôn luôn nằm sẵn trong ký ức của bạn, của chúng tôi cho đến hơi thở sau cùng.”

Ngày mai trời sẽ sáng, quê hương rồi một ngày không xa, ánh sáng tự do sẽ bừng dậy. Trên lối về rợp bóng cờ bay, chúng tôi sẽ hát lên khúc “Anh Đã Về” mà anh vẫn ưa nghe nhất:

“Anh đã về, vui mừng me trông đợi”

“Hoa tự do đã trổ nhánh ruộng đồng”

“Khắp thôn làng, rộn ràng luồng gió mới”

“Quê hương ơi! Ngày nắng ấm đã hồi sinh.”

Tôi muốn viết về anh thật nhiều, nhưng không thể viết được nữa, bởi anh có quá nhiều chuyện để viết, và ngòi bút của tôi không đủ khả năng để viết về con người phi thường của anh. Thật sự, tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đoạn nào để kể lại con người và nếp sống hào hùng của anh.

Anh đã sinh ra và lớn lên trên một quê hương chiến tranh ly loạn. Từ khi mở mắt chào đời, anh đã ngửi mùi thuốc súng, làm quen với đạn bay bom nổ cày nát xóm làng. Nhưng trong lòng anh, bao giờ cũng mơ được nhìn thấy một quê hương no ấm, thanh bình, không chiến tranh, không hận thù, cởi bỏ xiềng xích để xây dựng lại một Việt Nam thịnh vượng, tạo dựng một thế hệ con em cường tráng từ tinh thần đến thể xác để ngẩng mặt lên với cộng đồng thế giới.

Anh cũng thường mơ thấy, ở đó là quê hương với hồn thiêng sông núi… mẹ già, em bé, một sáng ra đồng chăm sóc những bó lúa mạ xanh non đang vươn mình trong nắng tự do. Và bên kia dòng sông, một điệu hò Mái Đẩy vút cao trong gió thanh bình.

Tôi cũng mơ thấy, một ngày không xa sẽ gặp lại anh với tiếng cười rộn rã, nhắc lại những ngày lưu lạc trên xứ tạm dung … và chắc chắn tôi sẽ cùng anh làm nốt bài thơ một thời dang dở…

15-9-1992

Trương Sĩ Lương

Bài Khác