Pháp trong thế lưỡng nan trước túi tham của Trung Quốc

Pháp trong thế lưỡng nan trước túi tham của Trung Quốc

Tú AnhĐăng ngày 12-02-2019 

media

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Pháp Manuel Valls (T) đón đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) và phu nhân tại sân bay Toulouse-Blagnac Airport, gần Toulouse, Pháp, ngày 02/07/2015Reuters

Washington, Paris, cũng như các thủ đô châu Âu đều lo ngại lòng tham của các tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc muốn thống lĩnh thị trường. Nước Mỹ của Donald Trump thừa sức vừa đánh vừa đàm với Bắc Kinh, trái lại, Pháp không có kế sách vẹn toàn.

Tại Hoa Kỳ cũng như ở Đức, sức mạnh tiền bạc và tham vọng của các tập đoàn Trung Quốc tạo ra tình trạng căng thẳng trong thương mại thế giới. Áp lực của Mỹ qua chiến tranh áp thuế cũng như thái độ của Berlin sau khi mắc mưu Trung Quốc, bán tháo công ty « rô-bô » Kuka năm 2016 cho thấy Tây phương thức tỉnh. Thứ Năm tới đây, Nghị Viện Châu Âu sẽ thông qua đạo luật mới về đầu tư, kiểm soát chặt chẽ hơn vốn đầu tư nước ngoài mà đối tượng là Trung Quốc.

Nước Pháp : con mồi ngon của các tỷ phú đỏ

Đất canh tác, khách sạn, phi trường, lâu đài sản xuất rượu… từ 15 năm nay, hàng loạt cơ sở kinh tế, thương mại của Pháp bị doanh nghiệp Trung Quốc từ từ gậm nhấm. Từ khi Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ quốc gia, Pháp trở thành hấp dẫn hơn. Chỉ trong một năm 2018, Trung Quốc chi ra 1,8 tỷ đôla để mua lại các doanh nghiệp tại Pháp, tăng 86%, trong khi ở Mỹ, vốn đầu tư của Trung Quốc từ 30 tỷ trong năm trước giảm xuống còn 4,8 tỷ.

Vấn đề là doanh nhân Trung Quốc đầu tư không hẳn vì mục đích « đôi bên cùng có lợi » như khẩu hiệu quảng cáo mà là để « chiếm đoạt công nghệ và kiến thức khoa học ». Trong khi đó, phía Pháp bị thua lỗ nặng. Cụ thể là phi trường Blagnac, Toulouse, chỉ sau ba năm chuyển nhượng, chủ đầu tư Trung Quốc bán lại cổ phần. Vì sao, không ai rõ. Vụ thứ hai là tập đoàn xe hơi Peugeot-Citroen cho công ty Đông Phương (Dongfeng) góp vốn từ bốn năm nay, nhưng buôn bán chưa bao giờ ế ẩm như thế tại Trung Quốc.

Ngoài chuyển nhượng doanh nghiệp, Pháp còn mối lo thứ hai là bảo vệ bí mật công nghệ trong bối cảnh các đại tập đoàn Trung Quốc tung tiền vào các lãnh vực chiến lược, đe dọa an ninh quốc gia.

Vụ Hoa Vi, theo giới phân tích, chỉ là một trường hợp điển hình. Tố cáo Hoa Vi đánh cắp bí mật công nghệ và làm gián điệp cho công an Trung Quốc, Hoa Kỳ tuyên chiến với tập đoàn điện thoại và trang thiết bị viễn thông, đứng đầu thế giới với mạng nối kết tương lai thế hệ 5. Nhưng khác với Mỹ, Úc, New Zealand cấm hẳn Hoa Vi, Pháp chọn giải pháp dung hoà hơn : chỉ nhận diện và loại trừ những trang thiết bị có thể được khai thác trong mục tiêu gián điệp.

Vấn nạn của chính phủ Pháp là không có phương án vẹn toàn. Loại trừ Hoa Vi thì Pháp sẽ bị chậm trễ trong việc phát triển hệ thống liên lạc viễn thông 5G tác hại đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp trên thị trường quốc tế. Loại Hoa Vi chắc chắn sẽ làm phật lòng Bắc Kinh, điều mà Paris không muốn.

Còn mở rộng cửa hợp tác với Hoa Vi thì cũng chắc chắn sẽ có vấn đề với Mỹ. Theo Le Monde, trong những ngày qua, Washington gia tăng áp lực hành lang. Đại sứ Mỹ tại Bruxelles Gordon Sondland một lần nữa kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gạt Hoa Vi ra rìa, nếu không sẽ bị mất ưu thế trên thị trường Hoa Kỳ.

Áp lực này đã có tiếng vang tại Thượng viện Pháp. Hôm nay, trong cuộc biểu quyết long trọng dự luật Pacte (Chương trình hành động và chuyển đổi công nghệ ) do chính phủ đề xướng, Thượng viện Pháp bác bỏ dự án tư hữu hóa phi trường Paris, công ty sổ số quốc gia và nhất là gác qua một bên điều khoản quy định về 5G, với lý do « cần thảo luận sâu rộng ».

Bài Khác