CHUYỆN VÕ NGUYÊN GIÁP LÀM GIÁN ĐIỆP CHO LIÊN XÔ

CHUYỆN VÕ NGUYÊN GIÁP LÀM GIÁN ĐIỆP CHO LIÊN XÔ

Võ Nguyên Giáp và chiến trường Miền Nam
Cho tới nay giới nghiên cứu quân sự của Hoa Kỳ vẫn đinh ninh rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người kiến tạo nên mọi chiến thuật chiến lược của quân đội CSVN tại chiến trường Miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên người ta bắt đầu đặt một dấu hỏi lớn khi quyển sách “Đại Thắng Mùa Xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng được phát hành vào năm 1976 mà trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ là một cái bóng rất mờ. Sau đó Võ Nguyên Giáp đã viết quyển “Mùa Xuân Toàn Thắng” để thanh minh rằng ông ta vẫn là một Bộ trưởng bộ Quốc phòng và là tư lệnh của chiến dịch Mùa Xuân năm 1975.
Nhưng ông càng viết thì càng lòi ra sự thật, ví dụ ngày 29-4-1975 tướng Lê Trọng Tấn đánh điện báo cáo là quân của ông ta đã đến bờ sông Đồng Nai, còn cách Sài Gòn 15 cây số. Tướng Giáp viết:
“Lúc đó vào nửa đêm, tôi đến nhà anh Ba (Lê Duẫn) đề nghị cho cánh phía Đông đánh vào 18 giờ chiều, sớn hơn giờ G mười hai tiếng. Anh Ba đồng ý và nói: “Đánh, đánh thôi anh ạ! Lúc này, cánh quân nào phát triển thắng lợi là tạo thắng lợi chung cho toàn chiến dịch”/. Tôi hỏi: “Điện ký tên anh chứ?/”. Anh Ba đáp: “Không ! anh là Tổng tư lệnh, ký tên anh”/. Một thoáng sau, anh Ba nói thêm: “Ký thêm tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với anh Ba nhất trí” ( Võ Nguyên Giáp, Mùa xuân toàn thắng, trang 333 ).
Vô tình Tướng Giáp thú nhận mọi mệnh lệnh quân sự quan trọng ông đều phải hỏi Lê Duẩn; thậm chí đã được Lê Duẩn đồng ý rồi mà ông cũng không dám ký tên vào; ông Tổng tư lệnh đã rụt rè hỏi lại Lê Duẩn là ông ta có ký tên vào lệnh đó được không? Với cách hỏi khiêm tốn của Tướng Giáp thì Tổng bí thư thấy tội nghiệp và cho phép ông ký vào, nhưng chỉ một thoáng sau Tổng bí thư đổi ý và bảo ghi thêm vào rằng đó chính là lệnh của ông ta.
Quyển sách của Tướng Giáp khiến cho giới nghiên cứu quân sự bắt đầu chú ý và cố gắng tìm hiểu thêm vai trò thật sự của ông Giáp trong cuộc chiến Miền Nam cũng như trong trung tâm quyền lực của ĐCSVN dưới thời Lê Duẩn. Và rồi mọi sự bắt đầu hé lộ vào năm 1991 khi ông Bùi Tín xuất bản cuốn sách Hoa Xuyên Tuyết, trong đó cho thấy:
Rõ rệt nhất là ở tòa soạn báo Nhân Dân tháng 3.1983 nói chuyện từ vụ trưởng trở lên, ông (Lê Duẩn) ngang nhiên nói “Hồi đó (hồi đánh Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng nhát như thỏ đế, vừa đánh Mỹ mà vừa run như vậy này (ông co người lại run rẩy).
Do đó chúng tôi không để cho chỉ huy, chúng tôi phải trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo chiến tranh, và trên thực tế đã thay người khác trong nhiệm vụ Bộ trưởng Quốc Phòng”(Bản in lần 2 trang 137)… … Thật ra không phải chỉ gần đây, mà từ năm 1962, ông Giáp đã bị đụng chạm khá mạnh…”( trang 141)… …
Sang năm 1996 ông Vũ Thư Hiên phát hành quyển sách “Đêm Giữa Ban Ngày” xác nhận chuyện ông Giáp bị mất quyền lực là từ năm 1954 chứ không phải 1962, theo ông Hiên thì sau khi tiếp thu Hà Nội người ta lục được trong hồ sơ của Pháp để lại có một lá đơn của ông Giáp xin đi học trường Hậu Bổ là trường dạy làm quan của Pháp, trong thư lời lẽ rất là tệ mạt.
Rồi đến năm 1998 ông Trần Quỳnh là cựu bí thư của Lê Duẩn đã cho lưu hành tài liệu “Những kỷ niệm về Lê Duẩn”, trong đó xác nhận rõ ràng vai trò của Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam :
“Trong khi toàn Đảng ta tiến hành cuộc đấu tranh để khỏi bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại, và trong khi trào lưu thân Trung Quốc đang cuồn cuộn thì xảy ra một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng, đó là vụ án chống Đảng. …
…Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ chính trị làm mục tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình với Nghị quyết 9, trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy viên trong Trung ương. Trong tổ chức đó có Đặng Kim Giang, Lê Liêm. Theo lời khai của Đặng Kim Giang thì linh hồn của tổ chức là Võ Nguyên Giáp.
… Sau khi kết thúc điều tra vụ án chống Đảng và âm mưu lật đổ, Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đề nghị kỷ luật những người cầm đầu… … Riêng về Giáp kỷ luật được đề nghị là khai trừ khỏi Bộ chính trị, Lê Duẩn không đồng ý.
Lê Duẩn nói rằng …Giáp là người của Liên Xô, nếu kỷ luật Giáp sẽ động đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện trợ của Liên Xô. Tôi đề nghị cứ để Giáp ở lại trong Bộ chính trị. …
…Thế là từ ấy trong Bộ chính trị ta, có hai người một người là tay sai của Trung Quốc ( Hoàng Văn Hoan ), một người là của Liên Xô ( Võ Nguyên Giáp ).
BÌNH LUẬN
Ngày nay rất nhiều hồi ký của các nạn nhân “xét lại chống Đảng” đều nói rằng họ bị oan, từ trên xuống dưới. Theo như ông Vũ Thư Hiên thì tất cả bị ép phải khai là VNG cầm đầu. Như vậy là VNG bị oan một lần nữa, sau cái oan làm gián điệp cho Pháp.
Sở dĩ có vụ án xét lại chống đảng là vì cùng thời gian đó bên Tàu ông Mao Trạch Đông mở một cuộc đại thanh trừng đẫm máu, gọi là “Đại cách mạng văn hóa”. Tất cả những người nào có khả năng chống lại Mao đều bị đấu tố như thời Cải cách ruộng đất, dĩ nhiên là bị tố điêu.
Vì vậy Hà Nội bắt buộc cũng phải làm ra vẻ như học theo Mao, cũng bắt bớ, cũng khủng bố, cũng đấu tố những băng nhóm nào ngã theo Liên Xô chống lại Lê Duẩn…. Xui cho VNG bởi vì người ta chấm ông là người duy nhất có đủ khả năng “chống Đảng”, nếu không đưa ông ra làm thí điểm thì không biết đưa ai. Rốt cuộc chuyện VNG làm gián điệp cho LX là do Lê Đức Thọ dựng ra cho có để lấy điểm với Mao Trạch Đông.
Có một thắc mắc cuối cùng nhưng rất hữu lý, đó là tại sao VNG là tội đồ của CSVN thế mà Lê Duẩn vẫn không cách chức Bộ trưởng Quốc phòng ? Câu trả lời là do Mỹ đã cứu VNG :
Dẫn chứng: Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam”
Trận Ấp Bắc đối với Hà Nội : Theo báo cáo của CSVN thì: “Toàn trận địa ta hi sinh 12, bị thương 13, loại số địch gấp 10 lần, có 11 cố vấn , giặc lái Mỹ (3 chết, 8 bị thương), nhưng điều quan trọng hơn là thắng “trực thăng vận” và “thiết vận xa”, bắn trúng 16 trực thăng trong đó hạ 5 tại chỗ, bắn cháy 3 xe M.113”.
Ngày hôm đó, 2-1-1963, Washington rúng động vì lần đầu tiên quân đội VNCH hành quân dưới sự yểm trợ của trực thăng Mỹ, chiến xa Mỹ và dưới sự chỉ huy liên binh chủng của cố vấn Mỹ là Trung tá John Paul Vann. Thế mà các du kích quân Cọng sản với vũ khí thô sơ đã bắn hạ 5 trực thăng trong số 15 trực thăng và bắn cháy 3 thiết vận xa M.113 trong số 12 thiết vận xa tham dự cuộc chiến.
Báo chí Mỹ và báo chí Pháp đồng loạt hô hoán lên rằng chiến thuật “trực thăng vận” và chiến thuật “thiết vận xa” của Hoa Kỳ‎ đã thua đậm chiến thuật du kích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong khi đó người ngạc nhiên nhất lại là Võ Nguyên Giáp và các ông tướng CSVN. Các ông thừa biết chẳng có cái chiến thuật nào trong vụ này, chỉ có tay đại đội trưởng chỉ huy đại đội chủ lực trong trận này là Bảy Đen ( tên thật là Đặng Minh Nhuận ), một tay chỉ huy bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, chuyên môn xúi binh sĩ nổi loạn đòi trở về Miền Nam nên các ông đã cho hắn về Nam vào giữa năm 1962.
Đêm 31-12-1962 Bảy Đen dẫn đại đội 1/261/CSVN di chuyển xuống phía đông kênh Nguyễn Tấn Thành để mai phục chận viện cho đại đội 1/514/CSVN của Mười Điệp tấn công Ấp chiến lược Giồng Dứa. Tuy nhiên hai đại đội tiến gần tới Kênh Năng thì nghe báo có Tiểu đoàn Tây Đô của CSVN ( Từ Miền Bắc trở về bằng ghe bầu cập bến Cà Mau đang di chuyển từ Miền Tây lên Miền Đông ) đang đóng quân tại Kênh Năng nên cả hai đại đội tấp vào Ấp Bắc là chỗ đóng quân của Trung đội Du kích huyện Châu Thành.
Không ngờ sáng hôm sau, 1-1-61 quân đội VNCH thả bằng trực thăng 1 tiểu đoàn Bộ binh chận phía Bắc; một chi đội thiết vận xa M.113 chở hai đại đội Bảo an tấn công hướng Nam và Tây Nam; một đoàn tàu Hải quân chở 2 đại đội Biệt động quân theo Kênh Ba tiến vào Ấp Bắc.
Lâm vào cảnh tứ bề thọ địch, Bảy Đen cho quân bắn bừa vào bãi đổ quân trực thăng. Các ông pilot Mỹ lạng tránh nhưng vì cấu trúc cần điều khiển của máy bay có sai xót kỹ thuật nên 4 chiếc H.21 bị rơi ngay bãi đáp, 1 chiếc UH. 1A nhào xuống cứu hộ cũng bị “cúp cua gắt” mà rớt ( Sau trận đó tất cả máy bay H.21 và UH.1A bị cho vào bãi phế thải ). Thấy vậy Bảy Đen vội dẫn quân chạy về phía Đông để tránh đám xe tăng đang rượt theo.
Không ngờ đám xe tăng rượt theo bị mắc lầy ( Xe tăng M113 lội được trên nước nhưng không lội được trên sình, trong khi đó ruộng ở Ấp Bắc sình lên tới ngực ) cho nên đại đội 1/514/CS do Mười Điệp chỉ huy bắn vãi vào mấy tay xạ thủ đại liên 50 ngồi khơi khơi trên nóc xe tăng khiến cho 8 xạ thủ đại liên chết ngay giai đoạn đầu của trận chiến ( Sau trận này Đại úy Thiết giáp Lý Tòng Bá chế ra tấm bửng thép che đạn cho xạ thủ đại liên trên nóc xe, ông được huy chương do sáng kiến này ).
Số lính còn lại trong xe cũng leo ra khỏi xe nhưng ra ông nào bị bắn ông đó. Chờ lúc trời xẩm tối Mười Điệp cho quân áp sát mấy chiếc xe tăng gần nhất bắn thủng bình xăng và châm lửa đốt cháy 3 chiếc. Rồi cũng lợi dụng trời tối mà rút theo hướng của Bảy Đen.
*( Thời này quân du kích của MT/GPMN chưa có vũ khí chống máy bay hay vũ khí chống tăng, mãi đến năm 1968 mới có. Còn máy bay H.21, UH.1A và xe tăng M.113 là những loại vũ khí lần đầu tiên được đưa vào sử dụng thử nghiệm trên chiến trường.
Hồi ký của Tướng Tôn Thất Đính : “…kết quả của trận Ấp Bắc là một thảm bại vô cùng phi lý, một sự phi lý vượt ra ngoài sự hiểu biết của những người cầm quân đánh giặc từ phía Hoa Kỳ cũng như từ phía VNCH”… Không ai hiểu được vì sao?” ).
Không ngờ chiến công của Bảy Đen và Mười Điệp lại cứu Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội : Thấy báo chí Quốc tế hết lời ca ngợi VNG, Lê Duẩn nảy ra ‎ý nghĩ ‎cho Giáp trở lại làm Bộ trưởng bộ Quốc phòng để cho Ngũ Giác Đài tưởng lầm là Tướng Giáp đang chỉ huy quân CSVN tại Miền Nam. Chắc chắn nếu phải đánh nhau với Võ Nguyên Giáp thì các ông Ngũ Giác Đài sẽ vừa đánh vừa run.
Và quả đúng như vậy, các chuyên gia Hoa Kỳ sợ tướng Giáp một nước cho tới năm 1986, khi mà Trung Quốc tung ra tài liệu cho biết chiến thắng Đường số 4 là do Đại tướng Trần Canh của Trung Quốc chỉ huy và chiến thắng Điện Biên Phủ là do Tướng Vi Quốc Thanh của Trung Quốc chỉ huy, còn chiến thắng 1975 là do Lê Duẩn chỉ huy. Lúc đó Ngũ Giác Đài mới ngã ngữa ra, cơ hồ không tin nổi là sự thật.
Nếu có ai không tin thì cứ thử giở bất cứ tài liệu nào của HK nói về chiến tranh VN thì trận đánh nào cũng là Tướng Giáp, Tướng Giáp, Tướng Giáp… chứ không thấy đánh nhau với lính VC ở chỗ nào cả… Rồi thì quân Mỹ toàn là đụng Tướng Giáp chứ không bao giờ đụng các du kích quân cỡ như Bảy Đen, Mười Điệp; hay như em bé y tá 13 tuổi Nguyễn Tấn Dũng.
Dư luận Quốc tế phải đợi đến năm 1990 và năm 1994, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết 3 quyển hồi ký thú nhận hầu hết những gì ghi trong tài liệu của Trung Quốc và trong sách “Đại Thắng Mùa Xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng thì người ta mới rõ là Tướng Võ Nguyên Giáp chẳng có cái chiến thuật chiến lược nào hết. Đơn giản là vì ông ta chẳng có qua một trường lớp quân sự nào.
Còn về tính xảo quyệt của VNG thì bà Bảy Vân mượn hồi ký của Trần Quỳnh : “Lê Duẩn nói lại cho Văn Tiến Dũng : Giáp là một con người háo danh, khoe khoang. Y có cả một bộ tham mưu riêng, một ê kíp khá đông để vạch ra và thực hiện chiến lược chiến thuật tuyên truyền đề cao cá nhân mình trong nước và trên trường quốc tế”.
Theo nhận xét của người viết bài này thì VNG chằng có ê kíp nào tuyên truyền cho ông ta trên trường Quốc tế, chẳng qua là báo chí Pháp bơm VNG lên hàng “thiên tài quân sự bẩm sinh” là để cho hình ảnh đầu hàng của họ tại ĐBP đỡ nhục. Sau đó thì họ cầu Trời cho Mỹ cũng thua thì họ càng đỡ mất mặt hơn. Cho nên hễ có trận nào xảy ra giữa Mỹ và VC thì báo chí Pháp đều la lên rằng Giáp thắng, Giáp thắng…
Rồi cũng vì Giáp thắng mà người Mỹ phải lôi con em của họ trở về, cắt luôn nguồn tiếp tế cho quân VNCH… Rốt cuộc quân VNCH chết vì cái bóng khổng lồ của ông Giáp.
Cuối cùng, có phải VNG làm gián điệp cho LX hay không ?. Câu trả lời là không : Một ông tướng hết làm gián điệp cho Pháp lại làm gián điêp cho Nga mà Lê Duẩn vẫn cung kính đặt trên ngai “Bộ trưởng Bộ quốc phòng” trong suốt thời gian chiến tranh thì đủ biết là không phải.
Để kết luận về tài năng thực của Tướng VNG : Ông ta đã là Đại tướng từ năm 1948 mà sau trận ĐBP lại không được thăng Thống chế, đủ chứng tỏ ông ta không phải là người làm nên chiến thắng ĐBP. Và sau 1975 thì ông ta vẫn là Đại tướng thì đủ chứng minh ông ta không phải là người chỉ huy trận chiến Miền Nam. Với cả hai bằng chứng đó thì cần gì phải phổ biến 16 trang thư nói xấu người đã chết.
BÙI ANH TRINH

Bài Khác