Nhà báo Venezuela: ‘Người dân sợ bị như Cuba và không hề biết VN’

Nhà báo Venezuela: ‘Người dân sợ bị như Cuba và không hề biết VN’

.

Nữ nhà báo Karenina Velandia của BBC Mundo

Karenina Velandia, nữ phóng viên người Venezuela làm việc cho BBC Mundo nói gia đình cô đã bỏ ra nước ngoài sinh sống vì trong nước ‘người dân đang đói ăn’.

Từng làm các phóng sự cho BBC về tình hình Venezuela, cô cũng giải thích tình trạng chia rẽ quốc gia với hai tổng thống, hai quốc hội và hai tòa tối cao.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 30/01/2019, Karenina Velandia cho hay ở Venezuela không ai chú ý đến Việt Nam, và cũng không coi Trung Quốc và Nga là quan trọng.

BBC News Tiếng Việt:Bạn có thể cho biết tình hình mới nhất tại Venezuela hiện nay ra sao?

Nhà báo Karenina Velandia: Tình hình hiện nay rất căng thẳng. Rất khó mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi nghĩ có thể là 50:50 ở chỗ là có thể mọi chuyện vẫn tiếp tục như những gì đã diễn ra cho tới giờ, chỉ xấu đi một chút. Ngày tháng qua đi, mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn cho người dân Venezuela .

Cũng có thể là cuối cùng thì thay đổi sẽ diễn ra. Tình hình hiện nay đã khác vì chính phủ đang chịu rất nhiều sức ép quốc tế, và chính phủ ngày càng có ít tiền hơn.

Siêu lạm phát thật là kinh khủng. Theo con số của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến cuối năm ngoái, làm phát là hơn 1 triệu phần trăm. Chính phủ đã tăng lương của công nhân viên chức lên khoảng sáu lần chỉ trong tháng qua. Đó là một chỉ dấu rõ ràng là lương không đủ tiêu.

Hiện nay, với mức lương tháng cơ bản, người ta chỉ mua được hai quả trứng.

Gia đình tôi hiện không còn ở Venezuela. Họ đã sang Canada và châu Âu vì tình hình ở Venezuela thật là không thể sống được. Thực tế là người dân đang chết đói (starving).

Những người vẫn còn ở trong nước thực sự là vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Hơn 3 triệu đã ra đi trong năm qua, đó là theo con số chính thức của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên rất nhiều người đã bỏ đi theo con đường bất hợp pháp. Nên chúng ta phải tính là có rất nhiều người hơn con số chính thức đã rời Venezuela.

Caracas
Chợ ở Caracas, Venezuela trong ảnh chụp tháng 1/2019. YURI CORTEZ

BBC News Tiếng Việt:Hiện nay tình trạng là có hai tổng thống, ông Nicolas Maduro và ông Juan Guaidó. Về ông Maduro thì chúng ta đã biết nhiều, còn ông Guaidó là ai, có khả năng thực sự hay chỉ là một nhà chính trị cơ hội?

Tôi phải nói là tôi rất ngạc nhiên vì có vẻ như ông Guaidó hoạt động một cách có chiến lược. Một vấn đề lớn ở Venezuela là các chính trị gia không làm việc được với nhau và không tìm được một chiến lược đúng đắn để quản lý và thay đổi đất nước. Nhưng trong trường hợp của ông Guaidó, ông ấy có vẻ có tổ chức và có kế hoạch.

Ông ấy đang đề nghị một luật ân xá cho quân đội và những quan chức chính phủ nào muốn hỗ trợ trong giai đoạn chuyển giao chính phủ hay tham gia vào chính phủ của ông ấy.

Ông ấy cũng bàn về hỗ trợ nhân đạo cần thiết ở Venezuela. Có vẻ như ông ấy đang lên kế hoạch và tổ chức mọi thứ. Tôi phải nói là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây.

BBC News Tiếng Việt:Sự chia sẽ trong đất nước bạn có từ bao giờ, có mang tính vùng miền hay giai tầng xã hội hay không?

Sự chia rẽ ở Venenzuela đã diễn ra trong nhiều năm. Từ khi ông Hugo Chavez lên nắm quyền từ năm 1999. Cách mà ông ấy tiếp cận vấn đề và nói với dân chúng đã gây chia rẽ rất mạnh. Chẳng hạn một bên ông ấy nói, “Các người là những kẻ có nhiều tiền, đã bóc lột những người khác trong xa hội, còn phía bên kia, có những người tay trắng, không có gì, chúng tôi sẽ giúp các bạn”.

Vậy nên ngay từ đầu, xã hội đã có nhiều chia rẽ rõ rệt và nó làm ảnh hưởng tới kết cấu xã hội. Xã hội chứa đựng nhiều bức xúc, giận dữ, và ngay trong những người dân, người này ghét bỏ người khác, điều mà bạn có thể thấy ngay trong cả từng gia đình.

Có những gia đình ủng hộ chính phủ, lại có gia đình chống chính phủ. Đây là điều ảnh hưởng lớn đến kết cấu xã hội.

Tuy thế, không có sự chia rẽ về mặt địa lý, Bắc hay Nam đất nước vì ở khắp nơi dân đều khổ. Họ không có thực phẩm, không có thuốc men. Họ không di chuyển được vì hệ thống giao thông đã tan rã. Về giáo dục thì các thầy giáo và nhân viên bỏ đi, nhiều lớp học phải đóng cửa vì không có học sinh.

Nông Đức Mạnh
TBT Nông Đức Mạnh thăm Caracas và đặt vòng hoa trước mộ nhà cách mạng Simon Bolivar hôm 31/3/2007. Người đứng bên phải hình là Bộ trưởng Pedro Carreno của Venezuela. AFP
Venezuela
Mariam Habach của Venezuela và Lệ Hằng của Việt Nam tại cuộc thi Miss Universe 2017, Pasay City, Philippines. NURPHOTO

Tất cả mọi thứ đều suy sụp. Có những dịch bệnh đã được xoá cách đây nhiều năm thì giờ đây lại hoành hành trở lại. Nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Không có bất kỳ một điều gì hoạt động tốt ở một đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Ả Rập Saudi. Đúng là một tình hình khó tưởng tượng được.

Có thể nói Venezuela là một quốc gia ‘bơi trong biển dầu’, có trữ lượng dầu rất lớn. Vậy mà lại là đất nước có người dân chết đói. Người dân Venezuela trung bình sụt 11kg trong năm ngoái vì họ không đủ ăn.

BBC News Tiếng Việt: Cho tới nay có chừng 20 quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, EU ủng hộ phe đối lập, còn Nga và Trung Quốc ủng hộ chính phủ Maduro, vậy người dân Venezuela nghĩ gì về Trung Quốc và Nga?

Đối với nhiều người Venezuela, họ biết là Nga và Trung Quốc có vai trò, nhưng không phải là phần chính trong cuộc tranh luận. Vì ảnh hưởng và sự hiện diện của Hoa Kỳ là rất lớn. Điều này có từ rất lâu rồi.

Mỹ đã có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Venezuela. Người dân theo các trào lưu Mỹ, thích các sản phẩm Mỹ, theo dõi các chương trình truyền hình Mỹ. Vì vậy đối với họ hiện nay, Mỹ sẽ đóng vai trò như thế nào mới là điều quan trọng.

Và cả các quốc gia trong khu vực nữa, Colombia, Argentina, Peru, Ecuador… cũng quan trọng với Venezuela. Thế nhưng điều chủ chốt trong cuộc tranh luận hiện nay là người dân đang thực sự khổ sở. Nên những chuyện xảy ra bên ngoài chỉ là điều thứ cấp trong cuộc tranh luận về những gì đang diễn ra.

BBC News Tiếng Việt: Bạn có thể ngạc nhiên nếu biết không ít người Việt Nam khá quan tâm đến Venezuela. Các ông Hugo Chavez, Nicolas Maduro đều đã thăm Việt Nam, bắt tay với lãnh đạo nước Đông Nam Á đó, còn ở Venezuela người ta có chú ý đến Việt Nam không?

Không, người dân không biết gì, không có liên hệ gì đến Việt Nam. Nói chung, người Venezuela chúng tôi gần gũi hơn với các quốc gia trong khu vực, ở châu Mỹ La tinh, ở Mỹ và Tây Ban Nha.

Có lẽ là do gần gũi về địa lý, văn hoá, đối với Tây Ban Nha thì là ngôn ngữ và lịch sử. Nên người Venezuela có nhiều gắn kết với những nơi đó hơn là với châu Á, châu Phi hay Trung Đông.

Cuba
Cuba sẽ công nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường nhưng tình hình nước này từng là nỗi lo sợ của dân Venezuela. GETTY IMAGES

BBC News Tiếng Việt: Còn Cuba thì sao, đó cũng là một nước đồng minh của Việt Nam?

Cuba là nhân tố luôn xuất hiện trong chính trị Vênzuela ngay từ đầu vì cố Tổng thống Hugo Chavez có sự gắn kết rất mạnh về lý tưởng với cuộc cách mạng ở Cuba và đặc biệt là với Fidel Castro. Hai người rất gần gũi nhau. Ngoài ra phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn mà Chavez dành cho Cuba về tiền bạc.

Đối với một phía trong xã hội thì Cuba đại diện cho viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Người dân lo sợ và phàn nàn, họ nói không chúng tôi không muốn giống như Cuba. Họ không muốn sẽ có kết cục như Cuba vì tình hình rất khó khăn cho Cuba. Có lúc người ta còn ghép tên hai nước thành Cubazuela, để nói họ không muốn điều đó xảy ra. Tuy thế Cuba rất quan trọng với chính trị nội bộ ở Venezuela.

BBC News Tiếng Việt: Cuối cùng thì theo bạn, điều gì có thể sắp xảy ra?

Vâng có cảm giác hy vọng và thậm chí háo hức mong chờ trong những người ủng hộ phe đối lập. Họ mong có sự thay đổi vì đã sống trong tuyệt vọng, họ không phải là sống mà là tồn tại trong mấy năm qua. Và ngày tháng trôi qua, tình hình ngày càng tệ.

Và giờ đây, người dân có cái để mà mong đợi. Mọi người đầy hy vọng và trông đợi là mọi chuyện sẽ khá lên. Về kết quả thế nào, chúng ta phải chờ xem liệu Juan Guaidó có là tổng thống tạm thời cho đến khi có bầu cử được tổ chức. Phải chờ xem nhưng có những người dân đang rất hy vọng.

Nguồn: BBC

Bài Khác